Mã số chuẩn quốc tế cho tạp chí, sách và sự phân loại tạp chí khoa học

1. Mã số ISSN cho tạp chí và mã số ISBN cho sách

ISSN (International Standard Serial Number) là mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (XBPNK), một mã được công nhận trên phạm vi toàn thế giới nhằm xác định nhan đề của các XBPNK. Khi đã có chỉ số ISSN, thì tạp chí sẽ được quốc tế thừa nhận chính thức và giới thiệu trên quy mô toàn cầu, hay nói nôm na là đã có “thẻ căn cước” để đi lại trong “làng” thông tin toàn cầu. Nhưng ISSN không liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu, bản quyền hoặc bảo vệ nhan đề của XBPNK với các nhà xuất bản khác. Khác với sự xét chọn và phân loại theo chất lượng tạp chí khoa học của Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information, ISI, Hoa Kỳ) hoặc Scopus của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan), chỉ số ISSN của một tạp chí không liên quan đến chất lượng khoa học của các bài báo được đăng ở trong đó.

Danh sách ISSN này bao hàm và rộng hơn rất nhiều so với danh sách ISI và Scopus. Hiện nay, danh sách ISI bao gồm khoảng 10.000 tạp chí. Cho đến tháng 5 năm 2012, Scopus bao gồm 18.500 tạp chí về khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật, y dược và khoa học xã hội của hơn 5.000 nhà xuất bản (15% của Elsevier và 85% của các nhà xuất bản quốc tế khác). Danh sách ISSN bao gồm khoảng 1,3 triệu tên XBPNK (xem mô tả ở hình dưới). Thế nhưng ở Việt Nam vẫn còn một số tạp chí chưa đăng ký để có chỉ số ISSN. Từ năm 2012, chỉ những bài báo khoa học được đăng ở các tạp chí có chỉ số ISSN mới được Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp xem xét, tính điểm.

Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) xin kiến nghị các ban biên tập tạp chí khoa học trong cả nước, sau khi tạp chí đã được Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp Giấy phép xuất bản (xem như là “giấy khai sinh”), cần phải làm tiếp thủ tục đăng ký (miễn phí) mã số chuẩn quốc tế ISSN (để làm “thẻ căn cước”) tại: Trung tâm ISSN Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, Phòng 310 (tầng 3), ĐT: 04-39349116, Fax: 04-39349127, E-mail: Tranhanh@vista.gov.vn, website: vista.vn.

Thêm vào đó, theo chúng tôi biết thì mới có rất ít sách đã được xuất bản tại Việt Nam có mã số chuẩn quốc tế ISBN (International Standard Book Number). Đây là mã số chuẩn quốc tế để xác định một quyển sách. Trên thế giới, khái niệm và việc đăng ký mã số ISBN cho sách được bắt đầu từ những năm 1966-1970 và đã trở thành thông lệ, còn ở ta mới từ năm 2007. Đây là việc làm tuy nhỏ nhưng lại cần thiết để chuẩn hoá công việc xuất bản và hội nhập quốc tế. Văn phòng HĐCDGSNN sẽ kiến nghị HĐCDGS các cấp, trong tương lai gần, chỉ xem xét tính điểm những cuốn sách khoa học đã được xuất bản nhưng có mã số ISBN. Việc đăng ký mã số chuẩn quốc tế ISBN được thực hiện tại: Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, Số 10, Đường Thành, Hà Nội, ĐT: 04-39233152 và 04-39233153.

2. Phân loại ISI

Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI, Hoa Kỳ) đã xét chọn chất lượng của các tạp chí trên thế giới một cách khắt khe và kỹ lưỡng để đưa vào cơ sở dữ liệu của họ. Mặc dù vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất, nhưng ISI vẫn là một trong rất ít cách phân loại được thừa nhận và sử dụng rộng rãi khi bàn luận về chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu. Liên hợp quốc, các Chính phủ và các Tổ chức quốc tế thường sử dụng thống kê của ISI trong quản lý và hoạch định các chính sách khoa học, kỹ thuật. Các thống kê và đánh giá về khoa học, công nghệ và kỹ thuật nếu không theo ISI thì bị lệch so với thống kê quốc tế.

ISI lúc đầu (năm 1960) chỉ bao gồm tập hợp SCI (Science Citation Index) với khoảng khoảng 4.000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ có chất lượng cao và truyền thống lâu đời nhất trên thế giới (http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=K). Về sau SCI mở rộng thành tập hợp SCIE (Science Citation Index Expanded) với khoảng 7.000 tạp chí khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ xuất bản từ năm 1900 đến nay (http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=D). Hiện nay, ISI còn bao gồm tập hợp SSCI (Social Science Citation Index) với hơn 2.000 tập chí xuất bản từ năm 1956 đến nay và A&HCI (Arts & Humanities Citation Index) với hơn 1.200 tập chí xuất bản từ năm 1975 đến nay. Như vậy, ISI là tập hợp bao hàm cả SCI, SCIE, SSCI và A&HCI với tổng cộng khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao, trong tổng số hàng trăm nghìn tạp chí “thượng vàng hạ cám” trên thế giới.

Chất lượng của các tạp chí ISI chủ yếu được đánh giá dựa trên qui trình kiểm duyệt để đăng bài và các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor, IF). Các chỉ số khoa học từ nguồn ISI đã được Tổ chức xếp hạng đại học của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung quốc) sử dụng để đánh giá số lượng, chất lượng nghiên cứu khoa học và xếp hạng các trường đại học trên thế giới. Khi không có công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí ISI thì các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học sẽ không bao giờ lọt được vào bảng xếp hạng quốc tế nào.

Để dễ hình dung, tạm phác hoạ sơ đồ mô tả sự phân loại tạp chí khoa học theo ISI và chỉ số ISSN đối với tạp chí, ISBN đối với sách như sau:

3. Phân loại Scopus

Như đã nói ở trên, hiện nay, bên cạnh phân loại ISI, nhiều tổ chức xếp hạng thế giới, ví dụ như Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học SCIMAGO (http://scimagojr.com) hoặc Tổ chức xếp hạng đại học (QS World University Rankings, http://www.topuniversities.com) còn sử dụng cơ sở dữ liệu từ nguồn Scopus (được xây dựng từ tháng 11 năm 2004) của Elsevier (Hà Lan). Để được liệt kê vào danh sách Scopus, các tạp chí cũng được lựa chọn nghiêm ngặt. Số lượng tạp chí nằm trong Scopus gần gấp đôi số lượng nẳm trong ISI, nhưng không bao gồm tất cả mà chỉ chứa khoảng 70% số lượng tạp chí của ISI. Tuy nhiên, nguồn Scopus chỉ bao gồm các bài báo xuất bản từ năm 1995 trở lại đây. Cách đánh giá chất lượng các tạp chí của Scopus cũng dựa vào chỉ số ảnh hưởng IF, nhưng trang web của Scopus (http://www.scopus.com) rất tiện ích khi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ tra cứu tài liệu đến đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học của các cá nhân và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu… Các số liệu của Scopus đã được SCIMAGO sử dụng để đánh giá, xếp hạng các tạp chí khoa học và các cơ sở khoa học. Theo số liệu đó, trong số hơn 2.800 cơ sở nghiên cứu mạnh ở trên thế giới, Việt Nam chúng ta đã có tên 3 đơn vị: Viện KH-CN Việt Nam, ĐHQG TPHCM và ĐHQG HN. Đặc biệt, trang web SCIMAGO (http://scimagojr.com) mở miễn phí, trong đó các tạp chí được xếp hạng chung và xếp hạng theo từng lĩnh vực và ngành hẹp, rất thuận tiện để Hội đồng chức danh Giáo sư các cấp tra cứu, đánh giá chất lượng của các tạp chí khoa học quốc tế và bài báo khoa học liên quan.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có tạp chí khoa học nào được lọt vào danh sách ISI. Bộ KH-CN, Viện KH-CN Việt Nam và các cơ quan liên quan đã và đang cố gắng giới thiệu một số tạp chí khoa học của ta ra quốc tế để chúng ta có thể có được những tạp chí khoa học đầu tiên đạt chuẩn quốc tế ISI. Rất mừng vừa qua tạp chí toán học Acta Mathematica Vietnamica của Viện Toán học (Viện KH-CN Việt Nam) lần đầu tiên được lọt vào danh sách Scopus. Các quốc gia trong cộng đồng ASEAN như Malaysia đã có 48 tạp chí và Thái Lan đã có 21 tạp chí được công nhận để xếp vào hệ thống Scopus.

Chúng ta có thể tham khảo cách đánh giá các công bố quốc tế khi tài trợ cho các đề tài nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghê Quốc gia (NAFOSTED, website: http://nafosted.gov.vn). Cần phải nhấn mạnh thêm rằng đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, công bố quốc tế không chỉ là một đòi hỏi quan trọng đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, mà ngay cả đối với các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn… Gần đây, khi Trung Quốc tăng cường lấn chiếm trên Biển Đông, thì chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng to lớn của những tiếng nói và tài liệu có căn cứ khoa học trên các diễn đàn quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam trong các lĩnh vực như khảo cổ, lịch sử, địa lý, biển đảo, luật quốc tế, ngoại giao… để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

4. Chỉ số H và IF

Khi xếp hạng một cách tương đối chính xác các tạp chí khoa học trên thế giới người ta thường dựa vào các chỉ số “đo” chất lượng khoa học của tạp chí, ví dụ chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) và chỉ số H (H-index). “Rất khó đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, vì cộng đồng khoa học vẫn chưa nhất trí một chuẩn mực thống nhất cho tất cả các lĩnh vực nghiên cứu”. Tuy nhiên, hai chỉ số (có quan hệ với nhau) thường được sử dụng để ước định chất lượng của một công trình nghiên cứu khoa học là chỉ số ảnh hưởng và số lần trích dẫn (citation index). Theo định nghĩa được công nhận, hệ số ảnh hưởng IF là số lần trích dẫn hay tham khảo trung bình các bài báo mà tạp chí đã công bố hai năm trước. Do đó, những công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao, ví dụ như Science, Nature, …, thường có chất lượng khoa học rất cao. Tuy nhiên, hệ số ảnh hưởng của tạp chí cũng còn phụ thuộc vào các ngành khoa học khác nhau.

Năm 2005, nhà vật lý người Mỹ Jorge Hirsch của Đại học California ở San Diego đã đưa thêm chỉ số H (H-index) để đánh giá các kết quả khoa học và làm cơ sở so sánh đóng góp khoa học của các nhà khoa học khác nhau (trong cùng lĩnh vực). Theo Jorge Hirsch thì một nhà khoa học có chỉ số H nếu trong số N công trình của ông ta có H công trình khoa học (H < N) có số lần trích dẫn của mỗi bài đạt được từ H trở lên. Như vậy, chỉ số H chứa đựng được cả hai thông tin: số lượng (số các bài báo được công bố) và chất lượng, tầm ảnh hưởng (số lần được các nhà khoa học khác trích dẫn) của hoạt động khoa học.

Jorge Hirsch cũng đã xem xét chỉ số H cho một số nhà khoa học và đưa ra nhận xét rằng, trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, các nhà khoa học Mỹ thành công (successful) sẽ có chỉ số H = 20 sau 20 năm; một nhà khoa học nổi tiếng (outstanding) sẽ có chỉ số H = 40 sau 20 năm; thiên tài khoa học (truly unique individual) sẽ có chỉ số H = 60 sau 20 năm. Jorge Hirsch cũng đã đề nghị rằng ở Mỹ một nhà khoa học có thể bổ nhiệm phó giáo sư (associate professor) nếu có chỉ số H khoảng 12 và giáo sư (full professor) nếu H vào khoảng 18. Các nhà khoa học được giải thưởng Nobel thường có chỉ số H trong khoảng từ 35 đến 100. Chỉ số H cao nhất của một số lĩnh vực khác như hoá – lý: 100, sinh học: 160, khoa học máy tính: 70, trong khi đó lĩnh vực kinh tế học có chỉ số H vào khoảng 40.

Thiết nghĩ, khi đánh giá các ứng viên để trao giải thưởng khoa học hoặc để công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, nếu chúng ta tham khảo thêm chỉ số H của ứng viên đó thì sẽ có thêm thông tin về mức độ ảnh hưởng của ứng viên đó trong cộng đồng khoa học cùng lĩnh vực. Hiện nay việc tìm chỉ số H của bất cứ nhà khoa học học nào đều rất đơn giản nhờ trang web của Scopus.

5. Một vài lưu ý khi trình bày bài báo trong các tạp chí khoa học

Gần đây, sau khi làm việc với 27 HĐCDGS ngành, liên ngành để tính điểm bài báo được đăng trong các tạp chí khoa học và tính điểm sách khoa học của các ứng viên giáo sư, phó giáo sư, Văn phòng HĐCDGSNN xin nêu lên một số nhận xét bước đầu như sau:

Cho đến nay, theo yêu cầu của HĐCDGSNN, hầu hết các tạp chí khoa học của nước ta, nơi đăng những bài báo khoa học của các ứng viên, đã được đăng ký mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ ISSN. HĐCDGSNN đã quy định từ năm 2012 trở đi chỉ những bài báo khoa học được đăng trong các tạp chí có chỉ số ISSN mới được các hội đồng chức danh giáo sư các cấp xem xét, tính điểm. Xin lưu ý thêm rằng, trong Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 5 năm 2009 về Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ và trong Thông tư sửa đổi, bổ sung, số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012, Bộ GD-ĐT cũng đã quy định, khi nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ, nếu có những bài báo khoa học được đăng ở trong nước, thì chỉ được sử dụng những bài báo đã được công bố trên các tạp chí mà HĐCDGSNN tính điểm (xem “Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012” của HĐCDGSNN). Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến khích nghiên cứu sinh đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được liệt kê tại địa chỉ http://science.thomsonreuters.com/mjl/.

Theo thông lệ quốc tế thì khi một bài báo khoa học được đăng trên tạp chí thường kèm theo các thông tin sau đây: Ngày tòa soạn nhận được bài báo (received), ngày phản biện đánh giá, yêu cầu sửa chữa lại bài báo (revised), ngày bài báo được đăng (accepted for publication), tóm tắt bài báo – summary/abstract (nếu bài báo được viết bằng tiếng Việt thì nên có tóm tắt bằng tiếng Anh), các mã số phân loại chuyên ngành của bài báo (subject classification), các từ khóa trong bài báo (keywords), tài liệu tham khảo khi viết bài báo (references)… Văn phòng HĐCDGSNN kiến nghị Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp: Để tiếp cận các quy chuẩn quốc tế, trong một tương lai gần, chỉ nên xem xét những bài báo khi được đăng ở trong nước đã có đủ các thông tin nêu trên. Mặc dù chúng ta biết rằng một bài báo khoa học được đăng ở trong nước với đầy đủ các thông tin như trên chưa hẳn chất lượng khoa học đã cao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Duy Hiển, A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam, High Educ., (Springer), Vol. 60, p. 615-626, 2010.

2. Phạm Duy Hiển, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Đức Chính, thông qua các đường link:

http://vietsciences.free.fr/khaocuu/congtrinhkhoahoc/khoahocvadaihocvn.htm),

http://www.ykhoanet.com/binhluan/nguyenvantuan/071229_nguyenvantuan-nguyendinhnguyen_chatluong-nckh-vietnam.htm), http://www.pnas.org/cgi/content/abstract/102/46/16569,

3. http://en.wikipedia.org/wiki/H-index.

4. Nguồn thông tin từ Trung tâm ISSN Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ và từ Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông.

5. http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=K

6. http://science.thomsonreuters.com/cgi-bin/jrnlst/jlsubcatg.cgi?PC=D

GS. Trần Văn Nhung

 

 

 

Viết một bình luận