Hướng dẫn trích dẫn tài liệu tham khảo

1. Tài liệu tham khảo

– Tài liệu tham khảo bao gồm các tài liệu được trích dẫn, sử dụng và đề cập trong các bài báo, sách, luận án, luận văn, khóa luận, hoặc chỉ là các bài viết đơn thuần.

– Trích dẫn tham khảo có ý nghĩa quan trọng đối với các bài viết hoặc các bài báo cáo. Làm tăng giá trị của bài viết nhờ có đối chiếu, tham khảo, so sánh với các nguồn tài liệu từ bên ngoài, thể hiện rõ nguồn gốc các thông tin thu thập được. Giúp phát triển năng lực nghiên cứu nhờ quá trình tìm kiếm và chọn lọc những thông tin có chất lượng, giúp làm tăng khả năng tự học, tự tìm kiếm thông tin và khai thác thông tin; bồi dưỡng ý thức đạo đức nghề nghiệp, tránh hành động đạo văn.

– Có hai cách trích dẫn phổ biến nhất là trích dẫn theo “tên tác giả – năm” (hệ thống Havard) và trích dẫn theo chữ số (hệ thống Vancouver) là cách hiện đang được Bộ Giáo dục và  Đào tạo Việt Nam lựa chọn. Cách trích dẫn và định dạng trích dẫn còn tùy vào các cơ quan, các trường đại học, các nhà xuất bản, hay các tạp chí. Và ở mỗi nơi còn có quy định trích dẫn tài liệu khác nhau, cho nên khi viết một tài liệu phải tuân thủ các quy tắc trích dẫn ở mỗi nơi đề ra. Tuy nhiên, ở một cơ quan cũng có thể có nhiều khuân mẫu khác nhau. Tóm lại trích dẫn tài liệu theo định dạng và hợp lý là được.

– Nguồn trích dẫn phải được ghi nhận ngay khi thông tin được sử dụng. Nguồn trích dẫn có thể được đặt ở đầu, giữa hoặc cuối một câu, cuối một đoạn văn hay cuối một trích dẫn trực tiếp (ví dụ hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu, công thức, một đoạn nguyên văn).

– Một số nơi (ví dụ như các tạp chí uy tín) quy định việc trích dẫn tài liệu rất nghiêm ngặt. Có thể phải xin phép các tác giả gốc và có văn bản cho phép được sử dụng tài liệu để trích dẫn vào bài viết của mình.

2. Các hình thức trích dẫn tài liệu tham khảo

2.1. Trích dẫn trực tiếp là trích dẫn nguyên văn một phần câu, một câu, một đoạn văn, hình ảnh, bảng biểu, sơ đồ, quy trình… của bản gốc vào bài viết. Trích dẫn nguyên văn phải bảo đảm đúng chính xác câu, chữ và ý nghĩa. “Phần trích dẫn nên được đặt trong ngoặc kép”, [số TLTK] đặt trong ngoặc vuông. Không nên dùng quá nhiều cách trích dẫn này vì bài viết sẽ nặng nề và rập khuôn.

Ví dụ:

A: Tác giả A viết như sau “Tình hình phân bố bệnh đậu mùa là 30-50%”.

Thì bạn trích dẫn lại như sau: “Tình hình phân bố bệnh đậu mùa là 30-50% [A]”, hoặc “Theo tác giả A, tình hình phân bố bệnh đậu mùa là 30-50% [A]”

2.2. Trích dẫn gián tiếp là sử dụng ý tưởng, kết quả, hoặc ý của một vấn đề để diễn tả lại theo văn phong của mình nhưng phải đảm bảo đúng nội dung và nghĩa của bản gốc. Đây là cách trích dẫn được khuyến khích sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Khi trích dẫn theo cách này cần cẩn trọng và chính xác để tránh diễn dịch sai, đảm bảo trung thành với nội dung của bài gốc.

Ví dụ:

A: Tác giả A viết như sau “Tình hình phân bố bệnh đậu mùa là 30-50%”.

Thì bạn trích dẫn lại như sau: “Tỷ lệ phân bố bệnh đậu mùa trung bình khoảng 40% [A]”, có thể tỷ lệ trung bình không phải là (30+50)/2, nhưng đây chỉ là ví dụ, bạn có thể trích dẫn gián tiếp như vậy.

2.3. Trích dẫn thứ cấp là khi người viết muốn trích dẫn một thông tin qua trích dẫn trong một tài liệu của tác giả khác. Ví dụ khi người viết muốn trích dẫn một thông tin có nguồn gốc từ tác giả A, nhưng không tìm được trực tiếp bản gốc của tác giả A mà thông qua một tài liệu của tác giả B. Khi trích dẫn theo cách này không liệt kê tài liệu trích dẫn của tác giả A trong danh mục tài liệu tham khảo, mà phải trích dẫn tài liệu của tác giả B. Một tài liệu có yêu cầu khoa học càng cao thì càng hạn chế trích dẫn thứ cấp mà phải tiếp cận càng nhiều tài liệu gốc càng tốt.

Ví dụ:

A: Tài liệu gốc của ông Nguyễn TT viết như sau: Tỷ lệ nam/nữ là 2.

B: Tài liệu của ông Hoàng TN viết như sau: Tỷ lệ nam/nữ là 2 [B].

Khi bạn không tìm được tài liệu A của ông Nguyễn TT, thì bạn viết như sau: “Theo tác giả Nguyễn TT, tỷ lệ giới tính nam/nữ là 2 [B]” hoặc “Trong tài liệu của ông Hoàng TN có đề cập đến tỷ lệ nam/nữ là 2 trong nghiên cứu của ông Nguyễn TT [B]

2.4. Lưu ý

Có thể một vài người không hiểu cách tài liệu của bạn, ví dụ một người ngoài chuyên ngành. Khi bạn trích dẫn kiểu gián tiếp, bạn cho là đã đúng nghĩa. Tuy nhiên các chuyên gia khác chuyên ngành có thể đánh giá bạn đã trích dẫn sai. Cho nên có thể bạn sử dụng các trích dẫn theo cách trực tiếp trong trường hợp này, hoặc viết thật rõ ràng, rành mạch và dễ hiểu.

3. Một số nguyên tắc về trích dẫn tài liệu tham khảo

– Tài liệu tham khảo có thể được trích dẫn và sử dụng trong các phần đặt vấn đề, tổng quan, đối tượng và phương pháp nghiên cứu, bàn luận. Phần giả thiết nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, kết luận, kiến nghị không được sử dụng tài liệu tham khảo.

– Cách ghi trích dẫn phải thống nhất trong toàn bộ bài viết và phù hợp với cách trình bày trong danh mục tài liệu tham khảo.

– Việc trích dẫn là theo thứ tự của tài liệu tham khảo ở danh mục Tài liệu tham khảo và được đặt trong ngoặc vuông. Ví dụ [14], vài tạp chí hoặc cơ quan yêu cầu cần có cả số trang, ví dụ [14, 223-224]. Đối với phần được trích dẫn từ nhiều tài liệu khác nhau, số của từng tài liệu được đặt độc lập trong từng ngoặc vuông và theo thứ tự tăng dần, cách nhau bằng dấu phẩy và có khoảng trắng (ví dụ  [11], [24], [31]) hoặc không có khoảng trắng (ví dụ [11],[24],[31]). Đối với nhiều tài liệu ở gần nhau, có nơi quy định viết rõ ràng từng tài liệu (ví dụ [1], [2], [3], [4], [15]), có nơi quy định dùng dấu gạch nối (ví dụ [1-4, 15], hoặc [1-4], [15].

– Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận án không đạt yêu cầu.

– Không ghi học hàm, học vị, địa vị xã hội của tác giả vào thông tin trích dẫn.

– Tài liệu được trích dẫn trong bài viết phải có trong danh mục tài liệu tham khảo.

– Tài liệu được liệt kê trong danh mục tham khảo phải có trích dẫn trong bài viết.

– Không trích dẫn tài liệu mà người viết chưa đọc. Chỉ trích dẫn khi người viết phải có tài liệu đó trong tay và đã đọc tài liệu đó. Không nên trích dẫn những chi tiết nhỏ, ý kiến cá nhân, kinh nghiệm chủ quan, những kiến thức đã trở nên phổ thông.

– Khi một thông tin có nhiều người nói đến thì nên trích dẫn những nghiên cứu/ bài báo/ tác giả có tiếng trong chuyên ngành.

4. Xây dựng và cách trình bày danh mục tài liệu tham khảo

– Danh mục tài liệu tham khảo được sắp xếp theo trình tự sử dụng (trích dẫn) trong luận văn, luận án, bài viết…không phân biệt tiếng Việt, Anh, Pháp…Tài liệu tham khảo được trích dẫn theo số (đã được xác định trong danh mục tài liệu tham khảo), không theo tên tác giả và năm.

– Có thể tùy chỉnh để sắp xếp tài liệu tham khảo theo trình tự như sau (tùy theo yêu cầu): Ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh, rồi đến các ngôn ngữ khác theo mức độ phổ biến ví dụ Việt, Anh, Pháp, Đức, Ý…) -> Họ tên tác giả (tiếng việt thì ưu tiên xếp theo Tên, ngoại ngữ thì ưu tiên xếp theo Họ) -> Năm (có thể từ năm cũ trước rồi đến năm sau, ví dụ 2005 xếp trước 2006) -> Tên bài báo hoặc sách…

Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch. Những tài liệu viết bằng tiếng nước ngoài ít người Việt biết thì có thể ghi thêm phần tiếng Việt đi kèm theo mỗi tài liệu. Không nên dùng luận văn, luận án, Website và hạn chế dùng sách giáo khoa làm tài liệu tham khảo.

4.1. Tài liệu tham khảo là bài báo trong tạp chí, tập san được trình bày như­ sau:

Họ và tên tác giả được viết đầy đủ đối với tên người Việt Nam; Họ (viết đầy đủ), tên gọi và tên đệm (viết tắt) đối với tên người nước ngoài. Nếu bài báo có nhiều tác giả, cần ghi tên 3 tác giả đầu và cộng sự (et al-tiếng Anh), năm xuất bản (trong ngoặc đơn). Tên bài báo. Tên tạp chí, tập san (ghi nghiêng), tập (số, có thể có hoặc không có dấu ngăn cách, đặt trong ngoặc đơn, dấu phẩy sau ngoặc đơn), các số trang (gạch nối giữa hai số, dấu chấm kết thúc). Ví dụ:

1. Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Văn Tiến, Lê Hùng và cs (2010), Đặc điểm cộng hưởng từ cột sống cổ, Tạp chí Y học, Tập 3, (Số 2), trang 30-37. Hoặc

1. Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Văn Tiến, Lê Hùng và cộng sự (2010), Đặc điểm cộng hưởng từ cột sống cổ, Tạp chí Y học, Tập 3, (Số 2), trang 30-37. Hoặc

1. Nguyễn Văn Hùng và cộng sự (2010), “Đặc điểm cộng hưởng từ cột sống cổ”, Tạp chí Y học, Tập 3, (Số 2), trang 30-37. Hoặc

1. Nguyễn Văn Hùng và cộng sự (2010), “Đặc điểm cộng hưởng từ cột sống cổ”, Tạp chí Y học, Tập 3, Số 2, trang 30-37…

2. Cheung J.P.Y., Ng K.K.M., Cheung P.W.H., Samartzis D., Cheung K.M.C. (2017), Radiographic indices for lumbar spinal stenosis. Scoliosis Spinal Disorders, 12 (3), pp. 222-225.

2. Cheung J.P.Y., Ng K.K.M., Cheung P.W.H. el al. (2017), Radiographic indices for lumbar spinal stenosis. Scoliosis Spinal Disorders, 12 (3), pp. 222-225.

2. Cheung JPY, Ng KKM, Cheung PWH el al., (2017), “Radiographic indices for lumbar spinal stenosis”. Scoliosis Spinal Disorders, 12 (3), pp. 222-225, doi:10.1186/s13013-017-0113-3.

2. Cheung JPY, Ng KKM, Cheung PWH el al., (2017), “Radiographic indices for lumbar spinal stenosis”. Scoliosis Spinal Disord, 12 (3), pp. 222-225. (có thể viết tắt tên tạp chí).

2. Cheung JPY el al. (2017). Radiographic indices for lumbar spinal stenosis. Scoliosis Spinal Disord, 12 (3), pp. 222-225.

Lưu ý phải xác định đúng họ tên của người nước ngoài để trích dẫn. Ví dụ, có thể trích dẫn dẫn theo các cách dưới đây, lưu ý xác định rõ Netter là họ của tác giả. Tùy theo tài liệu có thể ghi họ đứng trước, tên đứng sau (phổ biến theo quy định ở Viêt Nam), tuy nhiên có thể ghi tên trước họ sau.

Netter Frank H. (2017), Atlas of Human Anatomy E-Book, 7 Edition, Elsevier Health Sciences, pp.161-186.

Netter, Frank H. (2017), Atlas of Human Anatomy E-Book, 7 Edition, Elsevier Health Sciences, pp.161-186.

Netter F.H. (2017), Atlas of Human Anatomy E-Book, 7 Edition, Elsevier Health Sciences, pp.161-186.

Frank H. Netter (2017), Atlas of Human Anatomy E-Book, 7 Edition, Elsevier Health Sciences, pp.161-186.

F.H. Netter (2017), Atlas of Human Anatomy E-Book, 7 Edition, Elsevier Health Sciences, pp.161-186.

4.2. Tài liệu tham khảo là một chương (một phần) trong cuốn sách ghi như sau:

Họ và tên tác giả hoặc cơ quan ban hành; năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên phần (hoặc chương), Tên sách (ghi nghiêng,dấu phẩy cuối tên), lần xuất bản (chỉ ghi mục này với lần xuất bản thứ hai trở đi), nhà xuất bản (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản); nơi xuất bản (ghi tên thành phố, không phải ghi tên quốc gia), tập, trang. Nếu sách có hai tác giả thì sử dụng chữ và (hoặc chữ and) để nối tên hai tác giả. Nếu sách có 3 tác giả trở lên thì ghi tên tác giả thứ nhất và cụm từ cộng sự (hoặc et al.). Ví dụ:

Hoang V.T. (2020), “Imaging of Spinal Canal Stenosis”, Spinal Canal Stenosis, fourth edition, Elsevier Saunder, Philadenphia, pp.1-50.

Hoang V.T. (2020), Imaging of Spinal Canal Stenosis, Spinal Canal Stenosis, fourth edition, Elsevier Saunder, Philadenphia, pp.1-50.

Hoang V.T. (2020), Spinal Canal Stenosis, fourth edition, Elsevier Saunder, Philadenphia, pp.1-50.

4.3. Tài liệu tham khảo là sách ghi như sau:

Tên tác giả hoặc cơ quan ban hành; năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên sách (ghi nghiêng, dấu phẩy cuối), lần xuất bản (chỉ ghi mục này với lần xuất bản thứ hai trở đi), nhà xuất bản (dấu phẩy cuối tên nhà xuất bản); nơi xuất bản (ghi tên thành phố, không phải ghi tên quốc gia, đặt dấu chấm kết thúc). Nếu sách có hai tác giả thì sử dụng chữ và (hoặc chữ and) để nối tên hai tác giả. Nếu sách có 3 tác giả trở lên thì ghi tên tác giả thứ nhất và cụm từ cộng sự (hoặc et al.). Ví dụ:

  • Hoàng Văn Trung (2023), Hẹp ống sống thắt lưng, Nhà xuất bản Giáo dục.
  • Phạm Hữu và Nguyễn Văn An (2027), Bệnh lý cột sống, Nhà xuất bản Y học.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022). Các văn bản về đào tạo sau đại học, Nhà xuất bản TPHCM.
  • Hoang V.T. (2020), Spinal Canal Stenosis, fourth edition, Elsevier Saunder, Philadenphia, pp.1-50.
  • Hoang V.T. (2020), Spinal Canal Stenosis, fourth edition, Elsevier Saunder, pp.1-50.

4.4. Tài liệu tham khảo là luận án, luận văn, khóa luận ghi như sau:

Tên tác giả, năm xuất bản (đặt trong ngoặc đơn). Tên đề tài luận án, luận văn (ghi nghiêng, dấu phẩy cuối tên luận án/luận văn), bậc học, tên chính thức của cơ sở đào tạo. Ví dụ tùy định dạng mỗi nơi, tuy nhiên viết cho ràng hợp lý là được.

– Hoàng Văn Trung (2018), Nghiên cứu hẹp ống sống, Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Dược Huế.

– Hoàng Văn Trung (2018), “Nghiên cứu hẹp ống sống”, Luận văn thạc sĩ của Bác sĩ nội trú, Trường Đại học Y Dược Huế.

– Hoàng Văn Trung (2018), Nghiên cứu hẹp ống sống, Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Dược Huế.

4.5. Tài liệu tham khảo là bài báo đăng trong các kỷ yếu của hội nghị, hội thảo, diễn đàn… ghi như sau:

Tên tác giả (năm), Tên bài báo, Tên kỷ yếu/tên hội nghị/diễn đàn (ghi nghiêng),  Địa điểm, thời gian tổ chức, cơ quan tổ chức, số thứ tự trang của bài báo trong kỷ yếu. Ví dụ:

-Hoàng Văn Trung và cs (2013), Đặc điểm cộng hưởng từ ở bệnh hẹp ống sống thắt lưng mắc phải, Hội nghị khoa học sau đại học lần thứ x, Trường Đại học Y Dược Huế ngày 17/11/2018, tập 8, số 6, trang 151-156.

4.6. Tài liệu tham khảo là các giáo trình, bài giảng hay tài liệu lưu hành nội bộ: Cần cung cấp thông tin cơ bản về tên tác giả, năm xuất bản, tên giáo trình, bài giảng, nhà xuất bản (nếu có), đơn vị chủ quản. Ví dụ:

– Hoàng Trung (2033), Giáo trình Xquang, Nhà xuất bản Y học, Trường Đại học Y Dược Huế.

– Hội đồng chức danh Nhà nước (2017). Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Hà Nội, tháng 5 năm 2017.

4.7. Tài liệu tham khảo trích dẫn từ nguồn internet, báo mạng (hết sức hạn chế loại trích dẫn này).

Tên tác giả (nếu có), năm (nếu có). Tên tài liệu tham khảo, <đường dẫn để tiếp cận tài liệu đó>, thời gian trích dẫn. Ví dụ:

– Hoàng Trung (2018), Trường Đại học Y Dược Huế, <https://www.cdha.info>, xem 17/11/2018

4.8. Mẫu ví dụ

Tai lieu tham khao

Tổng hợp từ Internet (đang update….) 

1 bình luận về “Hướng dẫn trích dẫn tài liệu tham khảo”

Viết một bình luận