Các loại bài báo trong tạp chí x quang

Nguồn: https://bsxqtuan.wordpress.com

Bằng các công cụ tìm kiếm (search engine) quen thuộc chúng ta có thể tìm, đọc các bài báo chuyên ngành Xquang  theo định khu giải phẫu, hoặc phương pháp chẩn đoán (như MRI, siêu âm, CT, X quang). Tuy nhiên, nội dung và giá trị của các bài báo về cùng một chủ đề thì khác nhau và được qui định theo loại bài báo trong các tạp chí. Để tìm nhanh và đọc đúng bài báo theo nhu cầu, chúng ta cần tìm hiểu thêm về các loại bài báo chủ yếu được xuất bản trong các tạp chí X quang quan trọng trên thế giới (tiếng Anh). (Các tạp chí X quang quan trọng được đề cập ở đây là các tạp chí có hệ số ảnh hưởng [Impact Factor] cao).

Nói chung, các bài báo trong các tạp chí X quang có thể xếp vào 3 loại chủ yếu như ở trong bảng dưới đây: các bài báo chính (major papers), các bài báo nhỏ (minor papers) và các bài báo mời (invited papers)

Tên chính thức, phổ biến

Tạm dịch

Major papersBài báo Chính
Original articles (Original research) on humansBài báo gốc (nghiên cứu gốc)
Experimental studies (on animals or phantoms)Nghiên cứu thực nghiệm
Meta-analyses (systematic reviews)Phân tích tổng hợp (tổng hợp hệ thống)
Minor papersBài báo nhỏ
Letters to the EditorThư gửi Toà soạn
Brief communications (Preliminary reports)Thông báo tóm tắt (báo cáo sơ bộ)
Technical developments (Technical notes)Bài phát triển kỹ thuật (ghi chú kỹ thuật)
Case reportsBáo cáo ca bệnh
Teaching articlesBài báo kỹ thuật
Pictorial reviews*Bài trình bày phổ hình ảnh
Diagnosis pleaseMời chẩn đoán
Interpretation cornerGóc diễn giải hình ảnh
Signs in imagingDấu hiệu chẩn đoán hình ảnh
Images in medicineHình ảnh y học
(…)(…)
Invited papersBài báo mời
EditorialsBài xã luận
Narrative ReviewsBài tổng hợp trần thuật
Position papers, GuidelinesBài trình bày quan điểm, Hướng dẫn thực hành
Special reportsBáo cáo đặc biệt
Special seriesLoạt bài đặc biệt

*Trong pictorial review, từ rivew có nghĩa trình bày, khác với review trong systematic review có nghĩa tổng hợp, tổng quan.

Những bài báo mời (invited papers) là những bài do người biên tập đặt các chuyên gia. Những bài báo đó có thể là những bài xã luận (editorials) thường bình luận về những bài báo gốc (original papers/articles) được đăng trong cùng một số của tạp chí, hoặc những bài tổng hợp trần thuật (narrative reviews)** viết tóm tắt quan trọng của những bài bào đã được xuất bản về một chủ đề nghiên cứu hoặc chủ đề lâm sàng mới nổi nào đó. Cả hai loại bài báo mời đó thường được đặt những tác giả đã xuất bản những bài báo quan trọng về cùng một chủ đề.

Một loại bài đặc biệt trong những bài báo mời là bài trình bày quan điểm (position paper) và hướng dẫn thực hành (guidelines). Cả hai đều là tài liệu chính thức cơ bản, được soạn thảo bởi nhóm các chuyên gia (thường) thay mặt cho uỷ ban khoa học của hội y học, đưa ra quan điểm về một chủ đề mới nổi lên hoặc định rõ hướng dẫn sử dụng chính xác một công nghệ y học trong chẩn đoán hoặc điều trị.

Trong những năm gần đây, những loại báo mời (invited papers) mới đã xuất hiện nhờ vào những báo cáo đặc biệt (special reports) và loạt bài đặc biệt (special series). Những bài báo này chủ yếu để truyền bá kiến thức đặc biệt thông qua một loạt bài báo trong các số báo liên tiếp của một tạp chí. Thí dụ, tạp chí “Radiology” có Loạt bài khái niệm thống kê học (Statistical Concept Series), Historical Perspectives (Những quan điểm lịch sử),  What the Clinicians Want to Know (Những điều bác sỹ lâm sàng muốn biết).

Tuy nhiên, những bài quan trọng đối với độc giả (nhà khoa học hoặc bác sỹ) là những bài báo chính (major papers). Đó có thể là những bài báo gốc – original articles (cũng còn gọi là original research) trên người, động vật hoặc mô hình; hoặc những bài tổng hợp hệ thống (systematic reviews) hoặc phân tích tổng hợp (meta- analyses). Bài báo gốc cung cấp thông tin mới dựa trên nghiên cứu có đóng góp nguyên thuỷ. Nếu thông tin chính xác và quan trọng, kết luận được chứng minh bằng số liệu thì bài báo đóng góp tiến bộ cho ngành X quang. Các kết luận thường dựa vào phân tích thống kê. Thông thường một Bài Nghiên cứu Gốc có giả thuyết và cố gắng cung cấp bằng chứng kết luận tính hợp lý (chính xác) của giả thuyết. Tất cả những bài này đều phải qua hệ thống bình duyệt một cách nghiêm chỉnh. (Bài tổng hợp hệ thống và Phân tích tổng hợp sẽ được giới thiệu ở cuối và trong bài riêng).

Những bài báo nhỏ (minor papers).

Thư gửi toà soạn (the letter to the editor) trình bày những nhận xét ngắn gọn về một bài báo đã đăng trong tạp chí hoặc những ý kiến và một chủ đề đặc biệt. Những bài này thường phê bình khách quan và có tính xây dựng đối với bài báo đã đăng. Những bài báo này thường chiếm khoảng trống khiêm tốn trong tạp chí, thí dụ AJR qui định: bài viết không quá 500 từ, Tham khảo – 4, Hình – 2 hoặc – 4 ảnh; Bảng – 0. Những bài này không qua hệ thống bình duyệt, nhưng thường được gửi đến tác giả bài báo gốc để họ trả lời hoặc bàn thêm.

Thông báo ngắn (brief communications), báo cáo sơ bộ (preliminary reports), phát triển kỹ thuật (technical developments hoặc có tạp chí thay bằng experimental studies trên động vật) hoặc ghi chú kỹ thuật (technical notes)  là những bài báo ngắn có cấu trúc hợp lý như những bài báo gốc: những quan sát lâm sàng ban đầu đối với một mẫu nhỏ bệnh nhân; những phương pháp kỹ thuật mới thực hiện trên mô hình, những mẫu nhỏ bệnh nhân và người tình nguyện khoẻ mạnh. Những bài này phải qua hệ thống bình duyệt nhưng mức độ rà soát không cao như các bài báo gốc.

Bài trình bày phổ hình ảnh (pictorial review, hoặc tên gọi khác là tiểu luận minh hoạ bằng hình ảnh-pictorial essay) là một bài giáo dục có thông điệp giảng dạy bằng hình ảnh và chú giải. Bài dài khoảng 4 trang, bao gồm tóm tắt mục tiêu và kết luận; có nhiều nhất khoảng 30 hình; bài không loại này có thông tin mới (đóng góp nguyên thuỷ). Giá trị của bài báo tuỳ thuộc vào chất lượng của minh hoạ, cũng như tính kịp thời và hữu ích của nội dung.

Báo cáo trường hợp bệnh (case repoorts) xứng đáng được dành cho vài nhận xét đặc biệt. Đối với vài thế hệ bác sỹ Xquang trong những thập kỷ qua, những bài báo loại này là một cách để bắt đầu viết bài báo khoa học. Ngày nay, nhiều thứ đã thay đổi. Có nhiều lý do để không ủng hộ đầu tư thời gian của bạn vào viết những bài báo cáo trường hợp bệnh. Thứ nhất: giá trị khoa học của những quan sát chỉ dựa trên một hoặc và trường hợp bệnh là thấp do không thể lượng hoá xác suất sự kiện đã mô tả. Hậu quả bài báo loại này rất hiếm khi được trích dẫn, do đó làm giảm hệ số ảnh hưởng của tập san nên cũng hiếm khi được đăng. Thứ hai: toà soạn chỉ chấp nhận đăng bài báo cáo trường hợp bệnh được viết chi tiết, tỉ mỉ nên thời gian đầu tư để viết và chỉnh cũng không ít hơn nhiều lắm so với viết bài báo gốc.

Mọi cuộc chơi đều có quy luật của nó. Lĩnh vực khoa học có những quy tắc nghiêm ngặt, những phân loại đa dạng. Qua bài tóm tắt này hy vọng các bạn có thể nhanh chóng phân biệt và bước đầu nhận ra giá trị các loại bài báo trong các tạp chí X quang.

Chú thích

** Bảng so sánh đặc điểm của narrative review (tổng hợp tường thuật) và systematic review (tổng hợp hệ thống)

Narrative ReviewSystematic Review
Đề cập đến lĩnh vực rộngCố gắng trả lời vấn đề nghiên cứu trọng tâm
Thường do một tác giả hoặc một nhóm nhỏ các tác giả làm việc cùng một chuyên ngànhThường nhiều tác giả từ nhiều chuyên ngành bổ sung bài tổng hợp
Số liệu trong bài do tác giả định đoạt; thường không đầy đủ và thiên vịTìm kiếm số liệu một cách hệ thống, toàn diện và không thiên vị trong mọi y văn thích hợp
Không có quy định khách quan nào về chất lượng số liệu được phân tíchĐánh giá khách quan và đặt ra từ trước chất lượng của tất cả nghiên cứu nguyên thuỷ (bài nghiên cứu gốc)
Không có tổng hợp thống kê các nghiên cứuTổng hợp thống kê theo phương pháp phân tích tổng hợp (meta-analysis); nếu các nghiên cứu rất không đồng nhất, các lý do sẽ được khám phá
Kết luận phản ánh quan điểm của một chuyên gia hoặc một nhóm nhỏ các chuyên gia và có thể thiên vịKết luận dựa trên kết quả phân tích số liệu khách quan
Không thể lặp lại đánh giá tổng hợpCó thể lặp lại đánh giá tổng hợp bằng phương pháp đã trình bày

Lược dịch từ: Francesco Sardanelli, Giovanni Di Leo. Biostatistics for Radiologists. Springer; 1 edition, 2010: 181-219

Tham khảo: Nguyễn Văn Tuấn. Đi vào nghiên cứu khoa học. Thế nào là một “bài báo khoa học”. NXBTHTPHCM-SAIGON TIMES. 2011: 132-154

Viết một bình luận