TRÀN DỊCH KHỚP GỐI (KNEE JOINT EFFUSION)

Hoàng Văn Trung

1. Giải phẫu khớp gối

Khớp gối bao gồm phần dưới của xương đùi và phần trên của xương chày (được gọi là mâm chày), đầu trên xương mác và xương bánh chè. Đầu xương được bọc bởi lớp sụn khớp. Một lớp sụn đệm vào giữa chúng gọi là sụn chêm trong (hình chữ C) và một lớp sụn bên ngoài gọi là sụn chêm ngoài (hình chữ O).

Hai đầu xương được giữ lại với nhau bằng các dây chằng, ở hai bên là dây chằng trong và dây chằng ngoài, ở trung tâm khớp là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Xương bánh chè là một xương vừng, nó nằm ở dưới gân cơ tứ đầu đùi và có vai trò bảo vệ gân tứ đầu cũng như tăng cánh tay đòn của gân này.

Ngoài ra còn có bao hoạt dịch nằm ở mặt trong gối có cấu tạo là các sợi xơ mềm và mỡ, nó có thể tiết dịch hoạt dịch để làm trơn và nuôi dưỡng sụn khớp, nó cũng có vai trò chống lại nhiễm khuẩn viêm.

Các lớp mỡ ở khớp gối: Lớp mỡ trước trên xương bánh chè (Anterior suprapatellar fat pad). Lớp mỡ sau trên xương bánh chè (Posterior suprapatellar fat pad). Mô mỡ dưới xương bánh chè (Hoffa’s fat pad).

2. Các dấu hiệu tràn dịch khớp gối trên siêu âm

– Bề dày túi hoạt dịch trên xương bánh chè: ≥3mm
– Có dịch trong ổ khớp

Giải phẫu siêu âm mặt cắt dọc phía trên xương bánh chè:

Chú thích: Gân cơ tứ đầu đùi (mũi tên); Mỡ trên xương bánh chè (1, 2); Bao hoạt dịch trên xương bánh chè (dấu hoa thị).


Case minh họa 1:

Bệnh nhân nam 50 tuổi. Đau khớp gối hai bên (bên phải nhiều hơn bên trái), đau tăng lên trong vòng 1 tháng gần đây, chọc dịch ra màu vàng xanh nhạt.

Siêu âm khớp gối phải thấy tràn dịch lượng nhiều kèm dày bao hoạt dịch:

Siêu âm khớp gối trái thấy tràn dịch lượng ít kèm dày nhẹ bao hoạt dịch:

Kết luận: Viêm khớp gối hai bên.


Case minh họa 2:

Bệnh nhân sưng đầu gối trái 2 tuần, không chấn thương.
Siêu âm thấy túi hoạt dịch dưới xương bánh chè kt#25x24x5mm.

Kết luận: Viêm túi hoạt dịch dưới xương bánh chè dưới da.

3. Các dấu hiệu tràn dịch khớp gối trên Xquang

– Xóa mờ bờ sau của gân cơ tứ đầu đùi.
– Bề dày túi hoạt dịch: >10mm có giá trị chẩn đoán, 5-10mm chưa rõ ràng, <5mm không tràn dịch.
– Tăng đậm độ ở vị trí túi hoạt dịch trên xương bánh chè, có hình quả lê.
– Dịch chuyển gân cơ tứ đầu và xương bánh chè ra trước (khi lượng dịch >20ml)
– Sự hiện diện của lớp dịch – mỡ.

Hình ảnh minh họa:


Dấu hiệu xóa mờ bờ sau của gân cơ tứ đầu đùi


Dấu hiệu đậm độ dịch vị trí túi hoạt dịch, đẩy các lớp mỡ trên xương bánh chè. Bề dày túi hoạt dịch: >10mm có giá trị chẩn đoán, 5-10mm chưa rõ ràng, <5mm không tràn dịch.


Mờ hình quả lê ở trên xương bánh chè. Dịch chuyển gân cơ tứ đầu và xương bánh chè ra trước (khi lượng dịch >20ml).


Sự hiện diện của lớp dịch – mỡ chứng tỏ đã có tổn thương nứt xương làm mỡ trong tủy chảy ra.

Dấu hiệu lớp mỡ – dịch – máu khá kín đáo trên tư thế nằm tia X chiếu ngang.

Tham khảo:

  1. Atlas giải phẫu người, Netter
  2. Bài giảng giải phẫu học, Nguyễn Quang Quyền
  3. https://radiopaedia.org

[collapse]

2 bình luận về “TRÀN DỊCH KHỚP GỐI (KNEE JOINT EFFUSION)”

  1. bác cho em hỏi : khi thể tích tràn dịch bao nhiêu thì mình kết luận tràn dịch khớp gối lượng ít, vừa và nhiều ạ? em cảm ơn bác

    Trả lời
    • Các thông số định lượng chưa được báo cáo rộng rãi. Trong trường hợp này bs có thể ước lượng một cách định tính. Tuy nhiên, Có hai cách để xác định đó là đo bề dày túi hoạt dịch trên xương bánh chè hoặc đo thể tích khoang dịch trong khớp. Theo một số tác giả, các giá trị ngưỡng đối với bề dày dịch khớp bình thường ở ngách trên xương bánh chè là 2.2–4.9mm, một số tác giả khác là 3.6–6.0mm; vì vậy phải trên giá trị ngưỡng và xem xét bệnh đi kèm mới có thể kết luận có tràn dịch khớp gối hay không. Lưu ý, độ gập của gối có thể cho các kết quả khác nhau, đo ngách trên xương bánh chè với độ gập gối 30° cho độ nhạy tối đa phát hiện tràn dịch. Ngoài ra, cũng phải đo ở các vị trí dịch hay tập trung, 3 ngách chính của khớp gối cũng cần phải lưu tâm. [doi: 10.1002/acr.21598]

      Trả lời

Viết một bình luận