Sacroiliitis: viêm khớp xương cùng-xương hông (sacroiliac joint). Viêm cả hai bên là đặc trưng thường gặp ở bệnh viêm cứng đốt sống (ankylosing spondylitis) và các bệnh về khớp khác như viêm khớp trong bệnh vảy nến, hội chứng Reiter (viêm khớp, viêm niệu đạo và kết mạc).
Sadism: (tâm thần) bạo dâm, một loại loạn dục chỉ đạt khoái lạc khi gây đau khổ cho người đồng sàng bằng hành động hung bạo hoặc bằng lời nói.
SADS, seasonal affective disorder syndrome: (tâm thần) tình trạng buồn chán khi mùa đông đến, trí tuệ và thể chất trì trệ, hay ngủ, ăn nhiều. Nguyên nhân không rõ, tăng thêm ánh sáng ban ngày đôi khi làm giảm bớt các triệu chứng.
Salaam attacks: (thần kinh) xem chữ infantile spasms.
Saliva / salivation / salivatory glands: nước miếng / sự tiết nước miếng / tuyến nước miếng, gồm tuyến mang tai (parotid gland), tuyến dưới hàm (submandibular gland), tuyến dưới lưỡi (sublingual gland). Các tuyến này có thể đóng sạn, nhất là tuyến dưới hàm. Xem chữ Parotid gland.
Salmonella: khuẩn sống trong ruột, có thể gây ngộ độc thức ăn, viêm dạ dày-ruột non (gastroenteritis). Loại S. typhi gây bệnh thương hàn (typhoid fever), S. paratyphi, bệnh phó thương hàn (paratyphoid fever).
Salpingitis: viêm vòi trứng do khuẩn từ âm đạo, tử cung lan đến, hoặc do đường máu. Bệnh nặng có thể làm sẹo và tắc vòi trứng nên không thể có con được.
SANE: một tổ chức thiện nguyện ở VQ Anh, vai trò của hội là thông tin và nghiên cứu các bệnh tâm thần cùng giúp đỡ cho bệnh nhân tâm thần và thân nhan của họ qua điện thoại.
Saprophyte: sinh vật sống nhờ vào mô chết hoặc thối rữa của động vật và thực vật.
Sarcoidosis: một loại bệnh mạn tính không rõ nguyên nhân, gồm nhiều hạch bạch huyết nổi ở các bộ phận của cơ thể và những u thịt nhỏ tại phổi, gan, lá lách. Da, hệ thần kinh, mắt, tuyến nước miếng cũng có thể bị ảnh hưởng.
Sarcoma: ung thư mô liên kết, phát triển tại nhiều nơi của cơ thể.
Sarcoptes: sâu ghẻ.
Scabies: ghẻ ngứa, chữa trị với các thuốc diệt sâu ghẻ như Lindane, Malathion. Cần chữa cho cả gia đình.
Scald: phỏng gây ra do nước/hơi nóng.
Scan: xét nghiệm các bộ phận cơ thể bằng siêu âm, computerised tomography (CT), magnetic resonance imaging (MRI).
Scarlet fever (scarlatina): bệnh hồng nhiệt, do độc tố của một loại khuẩn Streptococcus gây ra, chủ yếu là cho trẻ con và rất dễ lây bởi các giọt nước bọt bắn ra khi ho. Triệu chứng: sốt cao, viêm a mi đan, nổi ban đỏ ở mặt và khắp thân thể, đặc biệt là lưỡi có bợn trắng và đỏ rực (‘lưỡi trái dâu tây’). Chữa trị với kháng sinh giúp ngăn ngừa các biến chứng như nhiễm trùng tai và thận.
Schistosomiasis (bilharziasis): bệnh do sán lá thuộc giống Schistosoma gây ra, truyền qua da những ai tắm, lội trong nước có sán sinh trưởng. Triệu chứng: tiêu chảy, kiết lỵ, gan và lách to lên, bọng đái bị viêm và có thể biến thành ung thư.
Schiz-, schizo-: (tâm thần) tiếp đầu ngữ chỉ sự phân tách.
Schizoid personality: (tâm thần) nhân cách của loại người lập dị, hướng về nội tâm, sống cô đơn, lạnh nhạt với môi trường xung quanh, nhưng phần lớn không phát triển thành bệnh tâm thần phân liệt.
Schizophrenia: (tâm thần) bệnh tâm thần phân liệt (bệnh điên), gồm những rối loạn về cử chỉ hành động, tư tưởng và nhận thức, xảy ra ở tuổi từ 14-50, tỷ lệ trong dân chúng là 1%; tỷ lệ này tăng 10% nếu cha/mẹ bị bệnh, cả cha lẫn mẹ,40%, anh chị em 10%. Có những triệu chứng rõ ràng – triệu chứng ‘dương’ – như hành động kỳ quặc, cười nói một mình; tư tưởng lộn xộn, nói chuyện không đầu không đuôi, có ý nghĩ là người khác biết được. Họ có hoang tưởng (delusion) mình đang bị theo dõi, bị kẻ khác ám hại, mình là Chúa, là Phật. Giác quan có sự lệch lạc như hư giác về nghe (auditory hallucination), nghe tiếng thì thầm trong tai, tiếng hai người nói chuyện với nhau về mình. Cảm xúc của họ rất thất thường, buồn nhiều hơn vui, biểu lộ không đúng lúc, ví dụ nghe kể một chuyện buồn lại phát lên cười khúc khích. Một số bệnh nhân có triệu chứng không lộ ra – triệu chứng ‘âm’ – như chẳng buồn nói với ai, nhụt hết ý chí nghị lực, không còn thiết đến bất cứ chuyện gì. Loại này khó trị hơn loại có triệu chứng ‘dương’. Một số khác vì mất ý thức (insight) là mình đang bị bệnh cần sự giúp đỡ của người khác, nên không chịu đi khám và uống thuốc. Chức năng nhận thức (cognitive functions) như trí thông minh, trí nhớ, óc phán xét, sự tập trung tư tưởng v.v. tuy không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng phần nào cũng giảm bớt vì bệnh lâu ngày, vì uống thuốc. Bệnh tâm thần phân liệt do nhiều nguyên nhân, thường có liên hệ với nhau: di truyền; sinh hóa, chất truyền dẫn thần kinh Dopamine tăng hoạt động; tâm lý xã hội; các bệnh của não bộ. Về tiên liệu, 20% khỏi được, 20% rất khó trị, 60% tình trạng có thể ổn định nhưng cần phải uống thuốc liên tục một thời gian dài và được theo dõi thường xuyên. Theo thống kê, có 10% bệnh nhân mất trí tự tử.
Sciatica: (thần kinh) đau thần kinh tọa, đau dọc theo mặt ngoài và sau đùi, chân, bàn chân, thường do đĩa sụn giữa hai đốt sống bị thoái hóa rồi trồi ra và ép vào rễ dây thần kinh thắt lưng dưới. Bệnh có thể bộc phát khi nâng, khiêng không đúng cách vật nặng hoặc vặn xoắn thân hình, gây đau và cứng lưng, tê và yếu chân. Chữa trị bằng cách nằm nghỉ, nhưng nếu bệnh kéo dài ngày là một chỉ định giải phẫu cắt bỏ phần đĩa sụn trồi ra (microdiscectom).
Sciatic nerve: (thần kinh) thần kinh tọa, có đường kính lớn nhất so với các dây thần kinh khác trong cơ thể, chạy từ cột sống thắt lưng dưới xuống phía sau đùi, đến phần trên khớp gối thì chia làm hai nhánh. Các sợi của thần kinh tọa phân bổ đến cơ bắp và da ở chân.
Sclera / scleritis: củng mạc, lớp xơ trắng bên ngoài nhãn cầu; ở phần trước của mắt, củng mạc trở thành giác mạc (cornea). Xem chữ eye. /
Scleroderma: xơ cứng bì, da dày từng chỗ hoặc toàn thể, biến thành màu ngà. Nguyên nhân không rõ, có thể là một bệnh tự miễn rất khó trị, nhưng một số trường hợp tự nhiên khỏi.
Sclerosis: mô trở thành xơ cứng, thường là do đóng sẹo sau khi bị viêm sưng, hoặc vì tuổi già. Bệnh có thể xảy ra ở một bên của tủy sống (amyotrophic lateral sclerosis) gây liệt dần dần các cơ bắp; ở rải rác khắp não và tủy sống trong bệnh đa xơ thần kinh (multiple sclerosis); hoặc ở thành động mạch của người lớn tuổi gây xơ cứng động mạch (atherosclerosis).
Sclerotherapy: liệu pháp gây xơ cứng, chữa chứng giãn tĩnh mạch (varicose vein) bằng cách tiêm một loại dung dịch để tĩnh mạch đóng huyết khối và sau đó hóa sẹo.
Scoliosis: vẹo ngang xương sống, do bẩm sinh hoặc bệnh ở các đốt sống, cơ bắp và dây thần kinh dọc theo lưng, có thể chữa được bằng giải phẫu.
-scope: tiếp vĩ ngữ chỉ dụng cụ dùng quan sát hay khám nghiệm, ví dụ gastroscope = dụng cụ khám nghiệm bên trong dạ dày.
Screening test: thử nghiệm đơn giản thực hiện trên một số lớn người có vẻ mạnh khoẻ để phân biệt những ai có một bệnh đặc hiệu với những người không mắc phải, ví dụ chụp Xquang, khám quẹt cổ tử cung (cervical smears).
Scrofula: bệnh tràng nhạc, bệnh lao các hạch bạch huyết thường là ở cổ, không chữa trị sẽ làm mủ rồi vỡ ra ngoài da tạo thành những vết loét.
Scrotum: bìu dái, bao ngoài của tinh hoàn giúp cho tinh trùng sản sinh và tồn trữ tại đấy ở vào nhiệt độ thấp hơn trong bụng.
Scurvy: bệnh gây ra vì thiếu vitamin C, do ít ăn rau quả tươi. Dấu hiệu đầu tiên là sưng nướu răng và chảy máu, sau đó là xuất huyết dưới da, các vết thương trước đây đã lành cò thể toác ra lại. Bệnh thường xảy ra cho người già thiếu sự chăm sóc của gia đình, nếu để lâu có thể đưa đến tử vong.
Sebaceous cyst: nang bã nhờn, phát sinh từ tuyến bã nhờn của da, thường thấy ở đầu, mặt, cơ quan sinh dục. Nang chứa bã như cheese và có thể rất lớn, chữa trị bằng cách mổ bỏ đi.
Sebaceous gland: tuyến của da tiết chất bã nhờn (sebum) ra ngoài theo lỗ chân lông.
Seborrhoea: bã nhờn tiết ra quá nhiều, thường thấy ở mặt, da đầu. Tình trạng này một phần do ảnh hưởng của hóc môn nam androgen, và tạo điều kiện để mụn trứng cá và bệnh viêm da có bã nhờn (seborrhoeic dermatitis) phát sinh.
Secretion: sự tạo và tiết ra các hóa chất như men và hóc môn từ tuyến và các bộ phận của cơ thể. Tuyến có thể là ngoại tiết (exocrine gland), hóa chất theo một ống dẫn ra ngoài, ví dụ tuyến nước miếng, hoặc nội tiết (endocrine gland), hóa chất tiết thẳng vào máu, ví dụ tuyến giáp trạng.
Sectioning: (tâm thần) chữ nói về sự thi hành các điều khoản của đạo luật tâm thần. Xem chữ Mental Health Act.
Sedation / sedative drugs: sự làm dịu bớt căng thẳng tinh thần, cơn động kinh, cơn hung hăng gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác v.v. / thuốc có tác dụng trên.
Seizure: (thần kinh) cơn động kinh, xem chữ Epilepsy.
Semen, seminal fluid: tinh dịch chủ yếu là từ túi tinh dịch tiết ra, một số ít từ tuyến tiền liệt và tuyến Cooper. Số lượng mỗi lần giao cấu là khoảng 5ml, chứa từ 300-500 triệu tinh trùng. Thành phần quan trọng của tinh dịch là đường fructose kích thích sự di động của tinh trùng. Nồng độ đường, tinh dịch và sự sản xuất tinh trùng chịu ảnh hưởng của hóc môn nam Testosterone.
Seminal vesicle: túi tinh dịch, một trong hai tuyến sinh dục mở vào ống dẫn tinh trước khi ống này đổ vào niệu đạo. Phần lớn chất lỏng của tinh dịch là từ túi này tiết ra.
Seminoma: u ác tính tinh hoàn, xảy ra cho người lớn tuổi hơn so với u quái tinh hoàn (teratoma). Chữa trị: mổ cắt bỏ tinh hoàn, dùng thuốc chống ung thư và xạ trị nếu ung thư di căn đến phổi và xương.
Senescence: tình trạng lão hóa gây suy giảm năng lực cơ thể và trí tuệ.
Senile dementia: (tâm thần) sa sút trí tuệ và cách cư xử hành động, xảy ra cho người già.
Sensation: cảm giác, ví dụ đau, nóng, nhức mỏi v.v.
Sense / sense organ: tri giác, một trong những khả năng biết được tính chất của môi trường bên ngoài qua nhìn, nghe, ngửi, nếm, sờ mó / giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, da.
Sensitive: nhạy cảm, có khả năng đáp ứng với kích thích, ví dụ tế bào võng mạc nhạy cảm với ánh sáng và đáp ứng bằng cách gửi xung động thần kinh đến não.
Sensitisation: sự gây nhạy cảm của một vật lạ đối với cơ thể, ví dụ cỏ hoa, cơ thể sản xuất ra kháng thể để chống lại.
Sensory cortex: (thần kinh) vỏ cảm giác của não, có nhiệm vụ nhận các tín hiệu do dây thần kinh cảm giác (sensory nerve) mang đến. Vỏ cảm giác được chia thành nhiều vùng khác nhau ở não, ví dụ cảm giác đau, nóng được tiếp nhận ở thùy đỉnh.
Separation anxiety: (tâm lý) mối lo âu, sợ hãi về viễn ảnh phải xa rời một nơi an toàn, ví dụ trẻ phải xa cha mẹ để đi học.
Sepsis: nhiễm trùng ở một vết thương, một bộ phận cơ thể, tạo ra mủ và khuẩn phát triển trong máu (bacteraemia). Nếu khuẩn phát triển nhanh chóng và sản xuất ra độc tố thì được gọi là nhiễm trùng huyết (septicaemia).
Septal defect: khuyết tật có lỗ ở vách ngăn tim phải và trái, nguyên nhân không rõ, một số ít trường hợp do mẹ bị bệnh sởi Ðức lúc mang thai. Lỗ có thể ở vách ngăn hai tâm nhĩ (atrial septal defect, ASD) hoặc ở vách ngăn hai tâm thất (ventricular septal defect, VSD). Sự thông thương không bình thường của máu sẽ xảy ra, máu chảy từ tim trái có áp suất cao sang tim phải áp suất thấp hơn, hậu quả là máu lưu thông quá nhiều ở động mạch phổi gây tăng huyết áp ở đấy và suy tim. Lỗ lớn được đóng lại bằng phẫu thuật, lỗ nhỏ nếu không gây tác hại đến vấn đề tim mạch thì không cần chữa trị.
Septicaemia: nhiễm trùng huyết, máu có nhiều khuẩn sinh sản nhanh và tiết ra độc tố. Nguyên nhân: nhiễm trùng đường tiểu, viêm dạ dày-ruột (gastroenteritis), sưng phổi, viêm màng não, ổ mủ trong cơ thể. Các bệnh tiểu đường, ung thư, suy yếu hệ miễn nhiễm, dùng thuốc chống hệ miễn nhiễm là những yếu tố tạo điều kiện cho nhiễm trùng huyết phát sinh. Triệu chúng: sốt cao, lạnh run, thở nhanh, tâm trí lơ mơ. Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng có thể đưa đến choáng sốc nhiễm trùng huyết (septic shock), mạch nhảy nhanh, huyết áp tụt xuống, nước da xanh tím, ít nước tiểu, suy thận, suy tim và chết.
Septum: vách ngăn chia một cơ quan, ví dụ vách ngăn hai buồng tim, vách ngăn khoang mũi.
Sequel: di chứng, rối loạn trong cơ thể do bệnh hoặc tai nạn trước đó gây ra.
Sequestration / sequestrum: sự tạo ra một mảnh xương mục tách rời với các mô xung quanh / mảnh xương mục, thấy trong bệnh viêm xương-tủy (osteomyelitis).
Serology: khoa nghiên cứu về huyết thanh và những thành phần trong đó, đặc biệt là vai trò của chúng trong sự bảo vệ cơ thể chống lại bệnh.
Serotherapy: trị liệu bằng huyết thanh chứa kháng thể để chữa nhiễm trùng hoặc để gây miễn dịch thụ động tạm thời, ví dụ chữa bệnh uốn ván với huyết thanh chống bệnh tiêm cùng với thuốc chủng ngừa.
Serum: huyết thanh, dịch tách ra khỏi cục máu đông hay huyết tương để lắng xuống. Huyết thanh có thành phần tương tự như huyết tương và kháng thể trong đó, nhưng không có các yếu tố đông máu.
Serum sickness: phản ứng đôi khi xảy ra 7-10 ngày sau khi tiêm huyết thanh, ví dụ huyết thanh chống uốn ván. Triệu chứng: da nổi đỏ, sốt, đau khớp, hạch bạch huyết lớn ra.
Sex chromosome: nhiễm sắc thể phái tính X và Y, phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X, đàn ông 1 nhiễm sắc thể X và 1 nhiễm sắc thể Y.
Sex hormone: hóc môn sinh dục do buồng trứng và tinh hoàn tiết ra để kiểm soát phát triển sinh dục và chức năng sinh sản. Oestrogens và Progesterone là hóc môn sinh dục nữ, các Androgens là hóc môn sinh dục nam.
Sex-linked inheritance: mô tả sự liên kết giữa nhiễm sắc thể phái tính, thường là nhiễm sắc thể X, và một số bệnh, ví dụ bệnh ưa chảy máu (haemophilia), bệnh loạn dưỡng cơ (Duchenne muscular dystrophy). Ðàn ông vì chỉ có một nhiễm sắc thể X mà thôi nên chỉ họ mới mắc các bệnh trên, đàn bà nhờ có 2 nhiễm sắc thể X nên sẽ là người mang mầm bệnh và truyền sang cho con trai.
Sexual abuse: (tâm thần) sách nhiễu tình dục.
Sexual deviation: (tâm thần) rối loạn tình dục, thường xảy ra cho phái nam, họ chỉ đạt được tột đỉnh khoái lạc bằng những hành động khác thường như để người khác đánh thật đau (masochism), mặc quần áo phụ nữ (transvestism), phô trương bộ phận sinh dục (exhibitionism), cọ vào mông, đùi phụ nữ (frottage), giao cấu với xác chết (necrophilia), sờ soạn, giao cấu với trẻ con (paedophilia), gây đau đớn hoặc nhục mạ người đang làm tình với mình (sadism).
Sexually transmitted diseases (STD): (sản phụ khoa) bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trước kia là giang mai (syphilis), lậu, hạ cam (chancroid), nay là nhiễm khuẩn Chlamydia, đơn bào Trichomonas vaginalis, siêu khuẩn Herpes, Human papilloma virus (gây mụn cơm), nấm Candida, siêu khuẩn viêm gan, HIV, u mềm lây (molluscum contagiosum).
Shingles, Herpes zoster: bệnh ‘dời leo’, xem chữ Herpes.
Shock: sốc, một tình trạng kết hợp với suy sụp tuần hoàn khi áp huyết tụt xuống quá thấp nên không duy trì được lượng máu cung cấp đến các mô. Bệnh nhân rịn mồ hôi, tay chân lạnh và tím, mạch nhanh, thở không đều, khô mồm, tiểu ít. Nguyên nhân có thể là: xuất huyết nội hoặc ngoại; cơ thể mất nước do phỏng, ỉa mửa nhiều; tắc nghẽn mạch máu vành tim, mạch máu phổi; khuẩn có nhiều trong máu và tiết ra độc tố (septic shock); bị dị ứng nặng (anaphylactic shock); cơn xúc động mạnh (neurogenic shock). Chữa trị tùy theo nguyên nhân.
Siamese twins: cặp sinh đôi giống hệt nhau và có cùng phái tính dính nhau ở đầu, ngực, bụng, hông, tay chân v.v. Chữ Siamese có nghĩa là Xiêm La (Thái Lan ngày nay), đánh dấu trường hợp đầu tiên y học ghi nhận và nghiên cứu về hai anh em Chang và Eng sinh năm 1871, dính nhau ở hông và sống đến 63 tuổi, lấy vợ đẻ con đầy đàn!
Sibling rivalry: (tâm lý) sự ganh tị, không thuận thảo giữa anh chị em, nhất là khi có một bé mới sinh, anh chị em nó cảm thấy không còn được cha mẹ chú ý đến nữa.
Sickle cell disease: bệnh hồng cầu lưỡi liềm, xảy ra cho người da đen và dân vùng Ðịa Trung Hải. Hồng cầu chứa đựng huyết sắc tố haemoglobin bất thường (HbS), nên dễ bị vỡ gây vàng da, thiếu máu. Chữa trị theo triệu chứng và các biến chứng, gồm truyền dung dịch, kháng sinh, thuốc giảm đau, truyền máu, thay máu (exchange transfusion). Cách chữa trị đem lại nhiều kết quả là thay ghép tủy xương (bone marrow transplant).
Side effect: tác động phụ của mộ loại thuốc.
Siderosis: bệnh nhiễm oxide sắt trong phổi xảy ra cho các thợ bạc, thợ mỏ, có thể gây xơ hóa phổi.
Sigmoid colon: đại tràng sigma, phần tận cùng hình chữ S của đại tràng xuống (descending colon) dẫn đến trực tràng. Xem chữ Rectosigmoid.
Sigmoidoscopy: phép soi đại tràng sigma để xét nghiệm về những triệu chứng xảy ra ở phần dưới cơ quan tiêu hóa, ví dụ chảy máu ở trực tràng, bướu polyp, viêm loét ruột già (ulcerative colitis), ung thư phần cuối ruột già.
Sign: dấu hiệu của căn bệnh không thể hiện rõ để bênh nhân biết, nhưng bác sĩ khám thấy được. So sánh với chữ triệu chứng (symptom).
Silicosis: bệnh xơ hóa phổi do hít phải nhiều bụi có khoáng chất silica, xảy ra cho công nhân khai thác quặng, hầm đá, cát, cạo sét nồi hơi. Bệnh này tạo điều kiện cho lao phổi phát sinh.
Sinoatrial node, SA node: nút xoang nhĩ, một trung tâm tự động (pacemaker) gồm các tế bào cơ tim ở thành trên tâm nhĩ. Nút co thắt nhịp nhàng khoảng 70 lần mỗi phút, phát ra xung lực thần kinh lan khắp tâm nhĩ đến nút nhĩ thất (atrioventricular node) rồi khắp tim. Nút xoang nhĩ chịu ảnh hưởng của các hóc môn, chất hóa học, hệ thần kinh.
Sinus: 1- xoang trong xương chứa không khí, đặc biệt là xương mặt và sọ. 2- kênh lớn chứa máu tĩnh mạch, ví dụ xoang tĩnh mạch ( venous sinuses) trong màng cứng của não dẫn máu ra khỏi não. 3- chỗ nhô ra của một cơ quan hình ống, ví dụ xoang mạch máu cảnh (carotid sinus) ở cổ. 4- lỗ rò từ một ổ nhiễm trùng ra ngoài da hay vào một cơ quan rỗng.
Sinus arrhythmia: loạn nhịp xoang, nhịp tim đập chậm lại (sinus bradychardia) hoặc nhanh hơn (sinus tachycardia).
Sinusitis: viêm xoang mũi, thường kết hợp với viêm niêm mạc mũi, có thể là cấp hay mạn tính. Triệu chứng: đau nhức vùng xoang bị bệnh, ngạt mũi, chất tiết ra có mủ, không biết mùi. Ðịnh bệnh bằng Xquang, CT scan. Chữa trị với kháng sinh, thuốc giảm ngạt mũi, thuốc nhỏ mũi chứa steroid, rửa hoặc mổ xoang mũi. Xem chữ Paranasal sinuses.
ST units (système international d’unités): hệ thống quốc tế về đơn vị, căn cứ trên mét, kí lô, giây (thời giờ).
Sjogren’s syndrome: hội chứng Sjogren, một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến tuyến nước miếng và nước mắt, gây chứng khô miệng và mắt. Bệnh xảy ra riêng rẽ hoặc kết hợp với viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Chữa trị với dung dịch loại thay thế nước mắt và nước miếng.
Skeleton: bộ xương.
Skin: da, bao bọc bên ngoài cơ thể, gồm lớp ngoài (biểu bì) và lớp trong (bì); bên dưới là một lớp mỡ. Da có nhiều chức năng: bảo vệ cơ thể ngăn ký sinh xâm nhập; giảm bớt sốc va chạm của chấn thương; giúp cơ thể không bị mất nước; điều hòa nhiệt độ nhờ các tuyến mồ hôi, lông, mao mạch: khi cơ thể quá nóng, nhiệt sẽ thoát đi bằng cách ra mồ hôi, mao mạch giãn nở; khi quá lạnh, mao mạch co lại, lông dựng đứng lên để giữ một lớp không khí trên biểu bì. Da cũng hoạt động như một cơ quan bài tiết (bằng cách tiết ra mồ hôi), và như một giác quan nhờ có dây thần kinh nhạy cảm với nhiệt, lạnh, sờ, đau. Lớp mỡ dưới bì là một nguồn dự trữ thực phẩm và nước.
Skin graft: ghép da, dùng chính da của bệnh nhân (autograft), đôi khi da của người khác (homograft) để tạm thời làm lành vết thương. Lớp da dùng để ghép có thể mỏng hoặc dày, tùy từng trường hợp của vết thương.
Skull: bộ xương đầu và mặt, gồm hộp sọ (cranium) và xương mặt, bao gồm cả xương hàm dưới.
Sleep: giấc ngủ, chiếm 1/3 thời gian trong đời người, gồm hai phần xen kẽ nhau: 1- phần có tròng mắt di động nhanh (rapid eye movement, REM), còn gọi là giấc ngủ nghịch lý (paradoxal sleep) chiếm 1/5 của giấc ngủ, sóng não điện đồ (EEG) giống như người đang thức, giấc mơ xảy ra trong giai đoạn này. 2- phần có tròng mắt nằm im (non-rapid eye movement, NREM) chiếm 4/5 thời gian của giấc ngủ, sóng não điện đồ càng lúc càng sâu và chậm lại. Con nít 1 tuổi cần ngủ 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 5 tuổi là 12 tiếng, còn người lớn từ 7-8 tiếng, có khi ít hơn.
Sleep apnoea: ngưng thở lúc ngủ kéo dài độ 10 giây. Nguyên nhân có thể là béo phì; cao huyết áp; phần mềm của nóc họng (uvula) giãn ra quá độ và thòng xuống khí quản; a mi đan và hạch vòm hầu (adenoids) quá to, lưỡi lớn một cách bất thường, xương hàm nhỏ.
Sleep deprivation: thiếu ngủ, nếu kéo dài lâu ngày sẽ làm giảm năng xuất trong công việc, khó tập trung tư tưởng. Không ngủ 3 ngày liên tiếp hoặc hơn có thể đưa đến hư giác về nghe và thấy, đôi khi có hoang tưởng bị kẻ lạ theo dõi. Các cơ quan Công An, Cảnh Sát thường dùng phương pháp bắt nghi can thức suốt ngày đêm để điều tra cật vấn.
Sleeping drugs: thuốc ngủ, dùng lâu ngày sẽ làm quen thuốc phải tăng liều lượng lên, và lệ thuộc vào nó.
Sleeping sickness: bệnh ngủ, xảy ra cho người Phi Châu, do một loại đơn bào từ ruồi Tse Tse truyền sang.
Sleepwalking (somnambulism): chứng mộng du, khi đang ngủ đột nhiên đứng dậy đi trong vài phút rồi trở về giường lại. Chứng này thấy ở trẻ con, đôi khi ở người lớn có nhiều lo âu hoặc uống thuốc ngủ.
Sling: băng chéo hình tam giác, buộc sau cổ để nâng đỡ cánh tay gẫy.
Slipped disk: trồi đĩa sụn giữa đốt xương sống, xem chữ Disk prolapse.
Smallpox (variola): bệnh đậu mùa do siêu khuẩn gây ra, lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Triệu chứng gồm những nốt đỏ nổi ở mặt rồi lan khắp người, trở thành mụn nước rồi mụn mủ, khi lành để lại sẹo vĩnh viễn (‘Mặt rỗ như tổ ong bầu’), khả năng lây nhiễm vẫn còn cho đến khi các vảy rụng đi. Hầu hết bệnh nhân đều bình phục nhưng các biến chứng nặng gây tử vong có thể xảy ra là viêm thận, sưng phổi. Bệnh đậu mùa đã hoàn toàn bị tiêu diệt từ năm 1978.
Smear: lấy một mẩu mô hay các chất liệu khác từ một bộ phận cơ thể và phết lên kính để xét nghiệm dưới kính hiển vi.
Smooth muscle: cơ trơn, có trong các cơ quan rỗng như dạ dày, ruột, bọng đái, khi co thắt không biết được.
Snore: ngáy.
Socialisation: sự hòa nhập về mặt xã hội với người khác.
Social phobia: (tâm thần) chứng sợ chỗ đông người, như sợ nói trước công chúng, ăn uống nơi công cộng.
Sodium: một khoáng chất giúp quân bình lượng nước cơ thể, duy trì nhịp đập của tim, dẫn truyền xung động thần kinh và co cơ bắp. Số sodium máu dư thừa được thận thải ra ngoài. Thiếu sodium xảy ra trong các trường hợp ỉa mửa lâu ngày, đổ mồ hôi nhiều, dùng thuốc lợi tiểu quá độ. Các triệu chứng gồm mệt lả người, co rút cơ bắp, choáng váng, nếu nặng có thể làm tụt huyết áp, ngất xỉu. Thừa sodium do ăn quá nhiều muối đưa đến tăng huyết áp, sưng chân, hư thận, đột quỵ.
Sodium bicarbonate: thuốc kháng a xít, dùng trong chứng ăn khó tiêu, ợ chua, loét cơ quan tiêu hóa. Uống nhiều và lâu ngày gây co rút cơ bắp, yếu trong người, nôn mửa. Các bệnh nhân suy tim, hư hại ở thận không nên dùng nó.
Sodium cromoglycate: thuốc có tác dụng đề kháng chất histamine tiết ra trong khi bị dị ứng, được sử dụng trong một vài loại suyễn, dị ứng thực phẩm, dị ứng mũi và mắt.
Sodium valproate: thuốc chữa các chứng động kinh, tên thương mại là Epilim. Phụ chứng: lừ đừ buồn ngủ, rối loạn chức năng gan và điều hòa cơ bắp, gây dị tật bào thai đối với các thai phụ.
Sodomy: giao cấu qua đường hậu môn giữa người đồng tính luyến ái, người khác phái, hoặc giữa người và súc vật.
Soft sore (chancroid): một bệnh hoa liễu do khuẩn Haemophilus ducreyi gây ra, triệu chứng gồm vết loét mềm ở bộ phận sinh dục, hạch bạch huyết ở bẹn sưng lên rồi loét ra.
Soiling: ỉa đùn, xảy ra cho trẻ con đã quá lứa tuổi biết kiểm soát về vấn đề đại tiện, thường kèm với đái dầm. Nguyên nhân: táo bón, chậm phát triển về khả năng kiểm soát việc đại tiện, không được tập luyện về vấn đề bài tiết, bị căng thẳng tinh thần, ví dụ sắp phải đi học.
Solvent abuse: (tâm thần) hít các loại dịch bay hơi như xăng, nước sơn, chất keo (glue), acetone v.v., thường xảy ra cho trẻ con, gây nhức đầu, nôn mửa, trí óc lẫn lộn, tổn hại niêm mạc mũi và họng, hư gan, thận và hệ thần kinh, suy tim.
Somatic: 1- liên quan đến cơ thể (soma), ngược với tâm trí (mind). 2- liên quan đến tế bào cơ thể, ngược với tế bào sinh sản (tinh trùng, trứng).
Somatization disorder (Briquet’s syndrome): (tâm thần) một loại bệnh tâm thần xảy ra cho phụ nữ, họ thường xuyên đến khám bác sĩ và khai ra cùng lúc một loạt triệu chứng về cơ thể – ví dụ thấy hai hình, tê chân tay, đau ở cơ quan sinh dục, rối loạn về chức năng tiêu hóa – nhưng khi kiểm tra thì không thấy có hư hại gì ở các bộ phận trong người. Nguyên nhân có thể là căng thẳng tinh thần, lo âu, buồn chán. Về chữa trị có khoa tư vấn (counselling), tâm lý liệu pháp, thuốc chống buồn chán.
Somatoform disorders: (tâm thần) một số bệnh tâm thần gồm bệnh tưởng tượng (hypochondriasis), bệnh somatization disorder, rối loạn tâm lý chuyển biến thành các triệu chứng cơ thể (conversion disorder).
Somnambulism: mộng du, đồng nghĩa với Sleepwalking.
Sore: loét lở ở niêm mạc hay da, do bị thương, nhiễm trùng.
Sore throat: đau cổ họng, thường do nhiễm khuẩn/siêu khuẩn ở a mi đan hay họng, có thể kèm với sưng hạch bạch huyết vùng cổ.
Spasm: cơn go mạnh không chủ ý của cơ, ví dụ cơ hoành gây nấc cụt (hiccup), cơ cẳng chân gây chuột rút, cơ mặt, cơ cổ và lưng trong bệnh uốn ván, cơ trơn khí quản trong suyễn, cơ mặt và tay chân khi lượng calcium máu xuống thấp (tetany), cơ toàn thân trong chứng liệt cứng cơ (spastic paralysis).
Spasmolytic drugs: thuốc làm giãn cơn go của cơ trơn, dùng trong suyễn, đau thắt ngực, đau bụng.
Spastic paralysis: (thần kinh) liệt cứng cơ, xảy ra trong đột quỵ, liệt não (cerebral palsy), viêm đa xơ thần kinh hệ (multiple sclerosis).
Specific: đặc hiệu.
Speculum: dụng cụ để khám tai, mũi, âm đạo và cổ tử cung.
Speech: nói, phát âm. Trung tâm về nói nằm tại hai vùng đặc biệt của vỏ não, đa số là ở bên trái (vùng Wernicke và Broca), từ đó xung động thần kinh truyền xuống các cơ của bộ phận phát âm như thanh quản, lưỡi, qua sự điều hợp của tiểu não (cerebellum). Sự phát triển về nói của đứa trẻ diễn tiến như sau: 3 tháng, bập bẹ; 9 tháng, nhại giọng của người khác; 12-15 tháng, nói tiếng một kèm với ra dấu; 18-24 tháng, nói tiếng đôi, ví dụ ‘ba mẹ’, ‘đau quá’, số ngữ vựng khoảng 100 chữ; 2-3 tuổi, nói câu dài hơn, gồm 4 chữ; 3 tuôi trở đi, nói câu ngắn gọn, dễ hiểu, có ý nghĩa. Nguyên nhân rối loạn phát âm: hư tổn trung tâm về nói ở não do chấn thương đầu, bướu não, đột quỵ; điếc; đa xơ thần kinh hệ, bệnh Parkinson, bệnh thuộc tiểu não; hư tổn dây thần kinh từ não xuống các cơ của thanh quản, môi và lưỡi; bệnh ở thanh quản.
Speech therapy: khoa luyện lại cách phát âm.
Sperm (spermatozoon): tinh trùng do tinh hoàn sản xuất bắt đầu từ tuổi dậy thì, dưới ảnh hưởng của hóc môn nam Testosterone và hóc môn Gonadotrophin của tuyến yên. Trong khi tế bào cơ thể có 2 nhiễm sắc thể (nst) phái tính (sex chromosome), nam là XY, nữ là XX thì tinh trùng chỉ có 1 nst, hoặc là X hay Y. Nếu tinh trùng X thụ thai với trứng (nst luôn luôn là X), ta sẽ có X+X = XX = con gái; còn với tinh trùng Y sẽ là X+Y = XY = con trai. Cơ cấu tinh trùng gồm: đầu mang nhiễm sắc thể, cổ và đuôi giúp di chuyển nhanh. Số lượng tinh dịch xuất ra khi giao cấu là khoảng 2-5ml, bình thường chứa đựng từ 300-500 triệu tinh trùng. Nhưng chỉ vài nghìn con lọt qua được cổ tử cung, bơi lên một đoạn đường dài 4cm để gặp trứng tại vòi trứng, trong khoảng từ vài giây đến 3 tiếng đồng hồ, và trong số này chỉ một con thụ thai với trứng.
Spermatid cord: dây tinh, gồm ống dẫn tinh (vas deferens), dây thần kinh và các mạch máu, chạy từ tinh hoàn lên kênh ở bẹn rồi vào bụng và đổ ra ống dẫn của tuyến tiền liệt.
Spermatocele: nang mào tinh hoàn (epididymis) nằm ở phía trên tinh hoàn, chứa tinh dịch. Chữa trị bằng phẫu thuật cắt bỏ.
Spermatorrhoea: di tinh, tinh dịch chảy ra không chủ ý và không có cực khoái (orgasm).
Sperm donation: hiến tặng tinh trùng, người tặng được giữ vô danh, giúp cho những cặp vợ chồng muốn sinh con khi người chồng chẳng may bị vô sinh. Tinh trùng được tồn trữ tại ‘Ngân hàng tinh trùng’ và khi cần thì lấy ra để cho vào âm đạo hay xuyên qua cổ tử cung người vợ. Sác xuất thành công tương tự như giao cấu bình thường.
Spermicide: thuốc diệt tinh trùng dùng trong việc ngừa thai, điều chế dưới dạng kem, keo, bọt nước, thường kết hợp với bao cao su, màng chắn (diaphragm) để tăng thêm kết quả.
Spherocyte / spherocytosis: hồng cầu hình quả cầu, nhỏ hơn hồng cầu bình thường và rất dễ vỡ / bệnh tăng hồng cầu quả cầu, có thể là di truyền hay là một loại bệnh thiếu máu tan huyết (haemolytic anaemia), gây vàng da, thiếu máu, túi mật dễ đóng sạn. Chữa trị bằng cách cắt bỏ lá lách.
Sphincter: cơ thắt bao quanh một lỗ, ví dụ quanh hậu môn, quanh môn vị (pylorus) ở phần cuối dạ dày vào tá tràng.
Sphygnomanometer: dụng cụ dùng đo huyết áp.
Spina bifida: hở đốt cột sống, một khuyết tật bẩm sinh thường thấy ở vùng lưng. Nguyên nhân không rõ, có thể là do chế độ ăn uống của thai phụ thiếu vitamin, đặc biệt là folic acid. Tình trạng nếu nhẹ (spina bifida occulta), đứa bé không việc gì, vùng lưng nơi đốt hở bị lõm vào, hoặc có một chùm lông mọc ở đấy. Tình trạng trở nên trầm trọng nếu màng bao tủy sống trồi ra dưới da (meningocele) hoặc cả màng bao và tủy sống trồi ra (meningomyelocele, xem chữ).
Spinal anaesthesia: gây tê cục bộ bằng cách tiêm thuốc tê vào não thủy, hoặc vào bên ngoài màng bao tủy sống vùng lưng (epidural anaesthesia). Thủ thuật được áp dụng trong giải phẫu các bộ phận ở hạ bộ hoặc để sinh đẻ không đau.
Spinal cord: (thần kinh) tủy sống, một phần của hệ thần kinh trung ương, dài 45cm, nằm bên trong cột sống từ hành tủy (medulla oblongata) xuống đến đốt sống lưng thứ hai, tận cùng là chùm thần kinh có hình đuôi ngựa (cauda equina). Cơ cấu tủy sống gồm một lõi chất xám ở giữa, có chất trắng bao quanh, bên ngoài là màng bao tủy. Từ tủy sống chạy ra 31 đôi dây thần kinh ở những khoảng trống giữa các đốt sống.
Spinal injury: tổn thương cột sống, nếu ảnh hưởng đến tủy sống sẽ gây mất cảm giác, hoặc cảm giác đau, nóng rát, cơ bắp bị yếu hoặc liệt: ở cổ gây liệt tứ chi, ở dưới cổ gây liệt hai chân, các chức năng đại tiểu tiện bị xáo trộn như bí đái, táo bón hoặc đái dầm, ỉa đùn.
Spinal nerve: (thần kinh) thần kinh tủy sống, gồm 31 đôi. Mỗi dây thần kinh có 2 rễ, rễ trước mang các sợi thần kinh vận động, rễ sau mang các sợi cảm giác. Ngay sau khi rời khỏi tủy sống, các rễ này hợp lại thành một dây thần kinh hỗn hợp ở mỗi bên.
Spine: cột sống, xem chữ backbone.
Spirometry: phép xét nghiệm chức năng của phổi, đo lượng không khí thở mạnh hết ra (forced vital capacity, FVC) so với lượng không khí thở mạnh ra trong 1 giây đồng hồ (forced expiratory volume in 1 second, FEV1). Tỷ lệ trung bình giữa FEV1/ FVC là 70-80%. Trong bệnh phổi do nghẹt khí quản, ví dụ suyễn, FEV1 giảm xuống so với FVC; trong bệnh phổi do phổi bị xơ rút lại (restrictive lung diseases), tỷ lệ không thay đổi vì khí quản không bị nghẹt.
Spleen: lá lách, một cơ quan màu đỏ đậm nằm ở hốc sườn trái, dưới và sau dạ dày. Chức năng gồm có: 1- kiểm soát phẩm chất của hồng cầu, bằng cách phá hủy các hồng cầu già gần 120 ngày, hồng cầu hình dạng khác thường hoặc không phát triển đầy đủ. 2- chống nhiễm trùng bằng cách sản xuất ra kháng thể, thực bào (phagocyte) và lymphô bào. Mặc dù có các vai trò trên, lá lách không phải là một cơ quan thiết yếu, và khi cắt bỏ đi, nhiệm vụ của nó sẽ được thay thế bởi các thành phần khác của hệ bạch huyết. Tuy nhiên, người không còn lá lách sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là khuẩn pneumococcus. Lá lách có thể vỡ ra khi bị đụng, đánh mạnh vào bụng, cần phải mổ cắt bỏ khẩn cấp.
Splenomegaly: lớn lá lách, xảy ra trong những trường hợp như: sốt rét, nhiễm trùng tăng bạch cầu đơn nhân (infectious mononucleosis, glandular fever), bệnh kala-azar do đơn bào Leishmania gây ra, thương hàn, bệnh về máu như ung thư máu, tan vỡ hồng cầu, ung thư hạch bạch huyết (lymphoma).
Splint: nẹp, dụng cụ để giữ im xương gẫy.
Spondy-, spondylo-: tiếp đầu ngữ chỉ đốt sống, cột sống.
Spondylitis: viêm khớp đốt sống, thường gây ra bởi viêm xương khớp (osteoarthritis), viêm khớp dạng thấp (rhumatoid arthritis), viêm cứng khớp đốt sống (ankylosing spondylitis).
Spondylolisthesis: trượt đốt sống ra trước, do bẩm sinh, chấn thương, viêm xương khớp, thường xảy ra ở đốt sống lưng thứ năm bên trên xương cùng (sacrum), gây đau lưng, đau thần kinh tọa (sciatica); đôi khi trượt ở xương cổ gây đau nhức, tê yếu tay và bàn tay. Chữa trị: mang đai lưng, đai cổ, kéo xương sống (traction), vật lý trị liệu, mổ gắn dính hai đốt sống lại với nhau (spinal fusion).
Spondylosis: thoái hóa đĩa sụn cột sống ở vùng cổ, ngực, thắt lưng. Trên phim Xquang, khoảng cách giữa hai đốt sống hẹp lại, có gai xương (osteophyte) mọc ra. Nhiều trường hợp không gây triệu chứng nào cả, còn nếu đau nhiều, chữa trị bằng cách mang đai cổ, đai lưng, hoặc mổ gắn dính đốt sống lại với nhau.
Spontaneous: tự phát, phát sinh ra không có nguyên nhân rõ rệt
Sporadic: mô tả một bệnh chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, hoặc xảy ra tại một vùng riêng biệt. So sánh với dịch (epidemic).
Sprain: bong gân, do căng hoặc rách dây chằng (ligament) ở khớp. Chữa trị bằng đắp nước đá, thuốc giảm viêm đau, băng chặt khớp, đôi khi phải mổ.
Sprue, tropical: bệnh đường ruột xảy ra ở vùng nhiệt đới (trong đó có Việt Nam), gây tiêu chảy, phân có mỡ rất thối, sụt cân, thiếu máu, viêm sưng lưỡi. Chữa trị với kháng sinh, vitamin B12 và Folic acid.
Sputum: đàm nhớt.
Squamous cell carcinoma: một loại ung thư da, xảy ra cho người trên 60 tuổi, nhất là người da trắng sống tại vùng có nhiều nắng, những ai phải tiếp cận lâu ngày với các chất arsenic, than, paraffin, dầu mỡ. Ung thư thể hiện bằng vết loét ở môi, tai, mu bàn tay, có thể di căn đến các cơ quan khác của cơ thể. Chữa trị: mổ cắt bỏ vùng ung thư, hủy bằng xạ trị hoặc hơi lạnh (cryosurgery), đôi khi phải dùng đến thuốc kháng ung thư.
Squint (strabismus): lé (lác) mắt, thường một mắt lé vào trong hoặc ra ngoài, đôi khi là lên hoặc xuống. Ðối với trẻ con (có thể do viễn thị), chứng lé làm thấy một hình thành hai, nên nó cố không sử dụng mắt ấy, lâu dần sẽ bị mờ đi (amblyopia). Về người lớn, lé có thể do bệnh ở não, ở dây thần kinh phân bổ đến mắt, ở cơ bắp mắt, ví dụ đột quỵ, tiểu đường, đa xơ thần kinh hệ, u não, cường tuyến giáp. Trong phần chữa trị, đối với trẻ con, dùng gạc che mắt bình thường lại để buộc nó phải sử dụng mắt lé, giải phẫu sửa lại càng sớm càng tốt; đối với người lớn, cần nên làm các xét nghiệm để loại trừ những bệnh có thể chữa được.
Stammering: tật nói lắp.
Staphylococcus infection: nhiễm khuẩn hình cầu. Loại Staphylococcus aureus thường thấy ở da và niêm mạc, gây nhọt và các ổ mủ; Staphylococcus pyogenes liên quan đến bệnh nhiễm làm mủ, các loại khác tạo ra độc tố gây ngộ độc thực phẩm.
-stasis: tiếp vĩ ngữ chỉ sự ngưng chảy của một chất lỏng, sự ứ đọng, ví dụ haemostasis = ngưng chảy máu.
Statin: loại thuốc làm hạ cholesterol máu xuống, ví dụ Atorvastatin (Lipitor).
Status asthmaticus: cơn suyễn kéo dài trên 24 giờ, có nguy cơ gây tử vong vì suy hô hấp hay kiệt sức, cần được xử lý khẩn cấp.
Status epilepticus: (thần kinh) tình trạng động kinh kéo dài hoặc liên tục, có thể chết vì xáo trộn nghiêm trọng của các chất điện giải (electrolyte) cơ thể. Trong mỗi cơn động kinh, hô hấp bị ngưng lại nên gây tổn hại thêmi cho tế bào não vì thiếu hụt khí oxi.
Steatorrhoea: phân có chất dầu, do ruột giảm hấp thu chất béo, mổ cắt bỏ một đoạn dài ruột non, dùng thuốc hạ mỡ. Phân có màu tái, rất hôi thối và khó dội trôi đi.
Stem cells: tế bào gốc, tế bào chưa biệt hóa trong tủy xương, gan, tụy tạng, cơ bắp v.v., có thể tạo ra các tế bào đặc hiệu của từng cơ quan. Tế bào gốc của phôi (embryonic stem cell) đa hiệu hơn, tạo ra các loại tế bào khác nhau cần cho sự phát triển của phôi. Hiện nay, kỹ thuật trích tế bào gốc ở máu cuống nhau hài nhi mới sinh được áp dụng để chữa các bệnh, đặc biệt là bệnh về máu.
Stereotypy: (Tâm thần) chứng rập khuôn, lập đi lập lại liên tiếp một động tác phức tạp, lần nào cũng theo cùng một cách, thấy trong bệnh tâm thần phân liệt và một số bệnh tâm thần khác, bệnh tự kỷ trẻ con, bệnh nhân sống ở viện lâu ngày buồn chán không có gì để kích thích họ.
Sterile: 1- vô sinh. 2- vô trùng.
Sterility: mất khả năng có con.
Sterilisation: 1- sự triệt sản bằng phẫu thuật, cắt, buộc ống dẫn tinh của đàn ông / vòi trứng của đàn bà. 2- làm vô trùng các dụng cụ, vết thương.
Sternum: xương ức (xương ngực).
Steroid: một nhóm hợp chất tự nhiên gồm các hóc môn sinh dục nam và nữ (androgens và oestrogens), hóc môn vỏ tuyến thương thận corticosteroid, hóc môn progesterone, muối mật, các chất sterol ví dụ cholesterol.
Stigma: 1- điều xấu làm mất sĩ diện, ví dụ gia đình có người mắc bệnh tâm thần. 2- chấm, đốm trên da.
Stillbirth: (sản phụ khoa) sinh thai chết, khi thai đã trên 28 tuần. Trước thời gian này gọi là sẩy thai, hư thai.
Stimulant: chất kích thích hoạt động của một hệ thống hay chức năng cơ thể.
Stitch: vết khâu.
Stoma: 1- miệng hay bất kỳ bộ phận nào giống miệng. 2- (trong phẫu thuật) lỗ mở nhân tạo của một cơ quan rỗng, ví dụ mở đại tràng để miệng ra ngoài bụng (colostomy).
Stomach: dạ dày, một cơ quan rỗng nằm dưới hoành cách mô (diaphragm), bên phải lá lách và một phần ở dưới gan, thông với thực quản qua tâm vị (cardia), với tá tràng qua cơ thắt môn vị (pyloric sphincter). Dạ dày nối tiếp tiến trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng: dịch vị chứa hydrochloric acid và men pepsin, cộng với sự go bóp của cơ trơn dạ dày biến thực phẩm thành một chất như kem để đưa vào tá tràng. Dạ dày cũng tiết ra chất nhầy (mucus) bảo vệ chống lại sức xói mòn của axít.
Stomach-ache: đau ở vùng bụng trên.
Stomach cancer: ung thư dạ dày, xảy ra cho người trên 50 tuổi, nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ dân Nhật mắc phải cao hơn so với người Tây phương. Nguyên nhân chưa rõ, một số yếu tố tạo điều kiện như thức ăn muối mặn, muối chua, xông khói; thiếu máu ác tính; một phần dạ dày đã bị cắt. Ðịnh bệnh bằng cách soi dạ dày và cắt một mẩu u để xét nghiệm, chụp Xquang. Chữa trị: cắt bỏ toàn bộ dạ dày, xạ trị, thuốc kháng ung thư, tiên liệu bệnh khá tốt nếu được phát hiện sớm, các trường hợp đến trễ chỉ 10% sống sót sau 5 năm.
Stomach ulcer: loét dạ dày.
Stomat-, stomato-: tiếp đầu ngữ chỉ miệng, ví dụ stomatitis = viêm niêm mạc miệng.
Stomatology: ngành y khoa liên quan đến các bệnh ở miệng.
-stomy, -ostomy: tiếp vĩ ngữ chỉ một lỗ mở phẫu thuật vào một cơ quan, ví dụ colostomy = mở đại tràng.
Stool: phân.
Strabismus: lé (lác) mắt, xem chữ squint.
Strain: 1- cơ bị căng hay rách do làm việc quá sức, gây sưng đau, các lực sĩ hay mắc phải, nhất là cơ sau đùi và cẳng chân. Cơ căng dọc cột sống là một nguyên nhân hay xảy ra của chứng đau lưng. 2- nhóm sinh vật, ví dụ khuẩn, có những tính chất đặc biệt phân biệt chúng với các đồng loại khác.
Strangulated: nghẹt, mô tả một phần cơ thể bị gián đoạn cung cấp máu, ví dụ ruột bị mắc kẹt trong thoát vị (hernia), tinh hoàn xoắn lại.
Streptococcal infections: nhiễm khuẩn hình chuỗi, gồm nhiều loại: Streptococcus pyogenes gây các bệnh nhiễm, ví dụ bệnh hồng nhiệt (scarlet fever), và sản xuất ra ngoại độc tố; Streptococcus viridans liên quan đến chứng viêm nội tâm mạc (endocarditis); Streptococcus pneumoniae tác nhân của sưng phổi.
Stress: (tâm lý) căng thẳng tinh thần do bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần, ví dụ bị thương tích nặng, tâm trí bất ổn, biến cố lớn xảy ra như chồng/vợ/con chết, ly hôn, chứng kiến cảnh tai ương do thiên nhiên hay người tạo ra v.v. Cơ thể đáp ứng lại bằng cách sản xuất các hóc môn cortisol và adrenaline làm tăng nhịp tim và huyết áp lên, tăng sự chuyển hóa và hoạt động thể chất. Căng thẳng tinh thần nếu xảy ra thường xuyên sẽ dẫn đến chứng lo âu, buồn chán, ăn uống khó tiêu, hồi hộp đau ngực, nhức mỏi cơ thể.
Stress fracture: gẫy xương do có sự va chạm thường xuyên, xảy ra cho những người chạy, đi bộ đường xa mà không mang giày bảo vệ tốt. Các nơi gẫy thường là xương bàn chân, cẳng chân, cổ xương đùi, xương thắt lưng.
Stress ulcer: một loại loét ở cơ quan tiêu hóa, đôi khi xảy ra sau khi bị choáng sốc, phỏng nặng, chấn thương trầm trọng. Nguyên nhân không rõ, vết loét thường có tại nhiều nơi của dạ dày.
Stricture: sự co hẹp lại của bất cứ cấu trúc hình ống nào trong cơ thể, ví dụ thực quản, ruột, niệu quản và niệu đạo. Nguyên nhân: cơ quan ấy bị viêm, có khối u, bị cơ quan lân cận đè lên, cơ trơn go bóp mạnh.
Stridor: thở rít, nghe được lúc thở vào, do thanh quản hay khí quản bị tắc trít.
Stroke, apoplexy: (thần kinh) đột quỵ (trúng phong) do giòng máu không đến được để nuôi dưỡng não nên một phần não bị chết. Nguyên nhân bị tắc có thể là: 1-máu đông cục tại chỗ (thrombosis), hay xảy ra nhất và thường do mảng chất béo đóng ở thành mạch tạo thêm điều kiện. 2- máu đông cục từ nơi khác chạy đến (embolus), ví dụ từ động mạch cổ, tù tim. 3- vỡ mạch máu não do cao huyết áp, do mạch máu phình ra (aneurysm). Xem chữ cerebrovascular accident. Các yếu tố tăng rủi ro cho đột quỵ gồm có: tuổi già; cao huyết áp; mạch máu não xơ hẹp vì có mảng chất béo đóng vào (atherosclerosis); bệnh tim; tiểu đường; hút thuốc lá; lượng hồng cầu trong máu cao hơn bình thường (polycythaemia); tăng mỡ máu; sử dụng thuốc có chất oestrogen, ví dụ thuốc ngừa thai. Triệu chứng tùy vào số lượng tế bào não và vùng não bị ảnh hưởng: hôn mê và chết, yếu, liệt tay chân ở nửa bên đối diện với não hư tổn, nói ngọng, khó nuốt, mờ mắt. Một số trường hợp máu lưu thông chỉ bị gián đoạn chốc lát (transient ischaemic attack, TIA), do mạch máu go bóp mạnh hoặc do cục máu đông, triệu chứng gồm yếu tay chân, mờ mắt, khó phát âm. Bệnh nhân sẽ trở lại bình thường vài phút sau, nhưng đây là một dấu hiệu báo cho biết rủi ro đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 1/3 trường hợp chết vì đột quỵ, 1/3 tỉnh lại với nhiều dư chứng sau đó, 1/3 bình phục gần như hoàn toàn. Các biến chứng là sưng phổi, tắc mạch máu phổi do cục máu đông từ chân chạy lên (vì nằm im một chỗ lâu ngày). Việc định bệnh được tiến hành qua khám lâm sàng, sử dụng kỹ thuật CT, MRI scan, thử máu v.v.Phần chữa trị gồm thuốc men, thở oxi, thường xuyên thay đổi vị trí nằm của bệnh nhân để tránh lở loét phần mềm ở mông đít, vai, lưng, gót chân và tránh sưng phổi, vật lý trị liệu, tập lại giọng nói (speech therapy).
Stupor: (thần kinh) sững sờ, tình trạng gần như bất tỉnh, tâm trí không hoạt động và giảm khả năng đáp ứng với kích thích.
Stuttering: nói lắp, xem chữ stammering.
Stye: mụt lẹo, viêm cấp tính tuyến ở chân lông mi, do khuẩn gây ra.
Sub-: tiếp đầu ngữ chỉ 1- ở dưới, ví dụ sublingual = dưới lưỡi. 2- một phần, tình trạng nhẹ, ví dụ subluxation = trật khớp nhẹ.
Subacute combined degeneration of the cord: (thần kinh) thoái hóa kết hợp bán cấp ở tủy sống, gồm tổn hại các dây thần kinh vận động và cảm giác, do thiếu vitamin B12 và thiếu máu ác tính. Bệnh thường kèm theo hư hại dây thần kinh ngoại biên, dây thần kinh thị giác, sa sút trí tuệ (dementia).
Subarachnoid space: (thần kinh) khoảng giữa mạng nhện và màng bao não và tủy sống, chứa não thủy (cerebrospinal fluid) và các mạch máu lớn. Trường hợp xuất huyết dưới mạng nhện (subarachnoid haemorrhage) thường do vỡ mạch máu bị phình ở đó. Xem các chữ brain haemorrhage và meninge.
Subconscious: (tâm lý) thuộc tiềm thức, mô tả các tiến trình tâm trí không nhận biết được, nhưng ít nhiều có thể gợi lên với khoa phân tâm.
Subcutaneous: dưới da.
Subdural space: (thần kinh) khoảng dưới màng cứng của màng bao não và tủy sống. Trường hợp chảy máu ở đấy (subdural haemorrage) là do tĩnh mạch vỡ sau khi bị đánh, đụng vào đầu, thường xảy ra cho người già, người say rượu bị ngã. Máu tụ lại dần dần, có khi nhiều tuần, nhiều tháng sau mới gây các triệu chứng như nhức đầu, lừ đừ buồn ngủ, trí óc lẫn lộn, yếu liệt một nửa người. Ðịnh bệnh bằng cách chụp Xquang mạch máu não, CT scan. Chữa trị: mổ dẫn lưu chỗ máu tụ, tiên liệu tốt. Xem chữ brain haemorrage và meninge.
Sublimation: (tâm lý) sự lý tưởng hóa, một cơ chế bảo vệ dùng kiềm chế lại những thúc đẩy của bản năng, nhất là về tình dục, bằng những hành động tốt đẹp, ví dụ tham gia vào công việc từ thiện.
Sublingual gland: tuyến dưới lưỡi, tiết ra nước miếng.
Subluxation: trật khớp nhẹ, hai đầu xương không còn thẳng hàng nhưng vẫn tiếp cận nhau. So sánh với trật hẳn khớp ra (dislocation), hai đầu xương không còn tiếp cận nhau, các cơ cấu xung quanh khớp ít nhiều bị tổn hại..
Submandibular gland (submaxillary gland): tuyến dưới hàm, tiết ra nước miếng. Tuyến này hay đóng sạn. Xem chữ parotid gland.
Subphrenic abscess: mủ tụ dưới hoành cách mô (diaphragm) thường ở bên phải, phía trên gan. Nguyên nhân: nhiễm khuẩn hậu phẫu, thủng cơ quan tiêu hóa, ví dụ thủng dạ dày, tá tràng. Chữa trị bằng kháng sinh, mỗ dẫn lưu mủ.
Substance abuse: lạm dụng các chất độc như rượu, ma túy, chất hóa học v.v.
Substitution: (tâm lý) thay thế mục tiêu không đạt được bằng một mục tiêu khác thích hợp hơn, ví dụ nuôi con nuôi khi mình không thể sinh con được.
Suction: hút dịch các chất liệu khác bằng một ống thoát, ví dụ hút hơi và dịch trong dạ dày (nasogastric suction).
Sudden infant death syndrome: hội chứng ấu nhi chết thình lình, xem chữ cot death.
Suffocation: ngạt thở, xem chữ asphyxia.
Suggestion: (tâm lý) ám thị, thay đổi sự tin tưởng, thái độ, cảm xúc của một người bằng cách nói cho họ biết rằng những điều này sẽ thay đổi được.
Suicide: tự tử.
Sunstroke: say nắng.
Superego: (tâm lý) siêu ngã, phần tâm trí giúp đánh giá một sự việc là đúng hay sai, tốt hay xấu, đưa đến hành động có lý trí và lý tưởng. Siêu ngã là kết quả của sự thu nhập những gì được cha mẹ truyền vào tâm trí cho đứa trẻ.
Superficial: ở trên hay bên ngoài, gần bề mặt.
Superinfection: bội nhiễm, một bệnh nhiễm mới gây ra bởi một loại khuẩn khác với khuẩn của bệnh đang có.
Superiority complex: (tâm lý) mặc cảm tự tôn, cho mình là hơn thiên hạ. Theo khoa phân tâm, đây là một cách để bù lại những thiếu sót, kém cỏi tàng ẩn trong tiềm thức của con người.
Supernumerary: có thừa, có nhiều hơn bình thường, ví dụ supernumerary nipples là có núm vú dư thừa mọc từ nách xuống bẹn.
Supination, supine: lật ngửa, nằm ngửa (bàn tay, thân hình).
Suppository: thuốc đặt vào hậu môn hay âm đạo.
Suppuration: nưng mủ.
Supra-: tiếp đầu ngữ chỉ ở trên, bên trên, ví dụ suprarenal = trên thận.
Supraventricular tachycardia, SVT: tim đập nhanh một cách bất thường, khoảng 140-180 nhịp mỗi phút, kéo dài hàng giờ. Triệu chứng gồm đánh trống ngực, đau ngực, khó thở, ngất xỉu. Nguyên nhân do có nhiều nút bất thường ở tâm nhĩ phát ra xung lực thần kinh hoạt động thay cho nút tâm nhĩ (sinoatrial node). Ðịnh bệnh bằng tâm điện đồ, còn chữa trị là với thuốc chống loạn nhịp (anti- arrhythmic drugs), đôi khi phải sử dụng đến thiết bị khử rung (defibrillator). Xem chữ sinoatrial node.
Surgical spirit: cồn để làm vô trùng da trước khi mổ, tiêm thuốc v.v.
Surrogacy: mang thai đẻ hộ, do có sự thỏa thuận giữa một phụ nữ và cặp vợ chồng mà bà vợ không sinh con được vì không có tử cung bẩm sinh, tử cung đã bị cắt, dị tật ở tử cung. Có hai cách: 1- lấy trứng của bà vợ rồi cho thụ thai trong đĩa nghiệm với tinh trùng của ông chồng, sau đó cho phôi vào tử cung bà đẻ hộ. 2- cho tinh trùng của ông chồng thẳng vào tử cung bà nọ (artificial insemination). Vấn đề trên đã gây ra lắm cảnh thương tâm và trái đạo lý: một số bà đẻ hộ, sau khi trao con cho người ta, tinh thần ray rứt đến độ sinh bệnh trầm cảm; mẹ mang thai đẻ con cho con gái mình, nên vừa là mẹ lại là bà ngoại!
Suture: 1- đường khớp bất động, đặc biệt ở hộp sọ. 2- khâu vết thương.
Swab: miếng gạc dùng lau sạch hay đắp thuốc vết thương.
Swallowing difficulty (dysphagia): nuốt khó, có nhiều nguyên nhân: vật lạ rơi vào thực quản; mồm khô ít nước miếng tiết ra; rối loạn go bóp ở thực quản; trít hẹp thực quản do bị sẹo teo, do u bướu; viêm thực quản; thực quản có chỗ phình ra (oesophageal diverticulum); các bệnh nội thương như nhược cơ nặng (myasthaenia gravis), trúng phong; nguyên nhân tâm lý; một cơ quan khác đè lên, ví dụ bướu cổ, phình động mạch chủ vùng ngực.
Sweat, sweat gland: mồ hôi, tuyến mồ hôi. Xem chữ skin.
Sycosis barbae: nhiễm khuẩn nang chân râu.
Sydenham‘s chorea: cơn giật ở đầu, mặt, tay chân, ngón tay, thường xảy ra cho trẻ con tiếp theo sốt viêm khớp (rheumatic fever). Chữa trị bằng kháng sinh, thuốc hạ cơn; các chứng giật sẽ giảm đi trong vòng 2-3 tháng không để lại dư chứng nào cả.
Sympathectomy: (thần kinh) hủy dây thần kinh giao cảm để tăng máu chảy đến tứ chi, giảm chứng đau mạn tính, giảm mồ hôi tiết ra quá độ, được tiến hành bằng cách tiêm thuốc gây thoái hóa hạch giao cảm.
Sympathetic nervous system: (thần kinh) hệ thần kinh giao cảm, một trong hai phần của hệ thần kinh tự trị (autonomic nervous system), gồm các sợi chạy ra khỏi hệ thần kinh trung ương qua một chuỗi hạch gần tủy sống ở vùng ngực và thắt lưng. Các dây thần kinh giao cảm phân bố đến mạch máu, tuyến mồ hôi, tuyến nước miếng, tim, phổi, ruột và các cơ quan trong bụng, hệ sinh dục. Hệ chi phối chức năng của các cơ quan này bằng hoạt động phản xạ hài hòa với hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system).
Symptom: triệu chứng, một biểu lộ của bệnh bệnh nhân biết được.
Synapse: (thần kinh) vùng tiếp hợp, một khoảng cách rất nhỏ ở phần cuối của sợi thần kinh, qua đó xung lực thần kinh truyền sang tế bào thần kinh khác, nhờ các chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) phóng thích ra. Xem chữ neurotransmitter.
Syncope (fainting): cơn bất tỉnh vì tạm thời máu không dẫn đủ đến não, có thể xảy ra do xúc động mạnh, đứng lâu một chỗ, bị thương chảy máu nhiều.
Syndrome: hội chứng, một kết hợp các dấu hiệu, triệu chứng tạo thành hình ảnh lâm sàng của một bệnh đặc biệt.
Synovial fluid / synovium: dịch do màng hoạt dịch tiết ra, giúp trơn khớp / màng hoạt dịch bao quanh khớp và một số sợi gân (tendon) ở ngón tay và chân. Màng này có thể bị viêm ở khớp (synovitis), ở sợi gân (tenosynovitis). Xem chữ arthritis.
Syphilid: ban đỏ nổi khắp người vào giai đoạn hai của giang mai, từ 2 tháng-2 năm sau khi bị nhiễm. Bệnh rất lây ở giai đoạn này.
Syphilis: giang mai, một bệnh hoa liễu mạn tính do khuẩn xoắn Treponema pallidum gây ra, xâm nhập vào cơ thể lúc giao cấu, đôi khi qua vết thương ngoài da, qua lá nhau đến bào thai nếu bà mẹ mắc bệnh (giang mai bẩm sinh). Triệu chứng ban đầu là một vết loét cứng ở nơi nhiễm. 2-4 tuần sau khi tiếp cận; qua giai đoạn hai, bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong người, sốt, hạch bạch huyết lớn ra, nổi ban đỏ; giang mai giai đoạn ba có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho tim mạch, não và tủy sống đưa đến mù, liệt toàn thân, mất trí. Chữa trị với Penicillin đem lại kết quả tốt nếu sử dụng vào những tuần đầu sau khi bị nhiễm.
Syringomyelia: (thần kinh) rỗng tủy sống bẩm sinh, gây yếu và teo cơ bàn tay, mất nhận biết về đau và nóng, nhưng vẫn còn cảm giác về sờ mó. Bệnh không chữa được.
System: hệ thống, một nhóm cơ quan/mô có chức năng sinh lý đặc biệt, ví dụ hệ thần kinh, hệ hô hấp.
Systemic: liên quan hay ảnh hưởng đến toàn cơ thể hơn là từng bộ phận hay cơ quan riêng biệt.
Systemic lupus erythematous, SLE: lupus ban đỏ, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể. Xem chữ lupus erythematous.
Systole / systolic pressure: tâm thu, một thời kỳ trong chu kỳ hoạt động của tim, lúc tim go lại, xen kẽ với lúc tim giãn ra (diastole): ở mỗi nhịp đập, tâm nhĩ go lại để đẩy máu vào tâm thất, kế đó tâm thất go lại và đẩy máu vào các động mạch (động mạch chủ bên trái, động mạch phổi bên phải) / áp huyết tâm thu.
[collapse]